Nương tựa nhau giữa biển
Ðể giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, rủi ro, tạo điều kiện hỗ trợ nhau trong đánh bắt hải sản, ngư dân trong tỉnh đã hình thành các tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Trải qua thời gian, những ngư dân tham gia mô hình này ngày càng nâng cao ý thức hỗ trợ, giúp nhau khi gặp bất trắc trên biển.
Theo ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Trưởng phòng Khai thác và phát triển nguồn lợi thuộc Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), thời tiết trên biển diễn biến bất thường, mưa to gió lớn, giông bão khiến việc đánh bắt cá của ngư dân luôn đối mặt với nhiều bất trắc. Vì vậy, các tàu cá hoạt động theo mô hình tổ, đội đoàn kết sẽ kịp thời thông tin, hỗ trợ nhau khi gặp thiên tai hoặc rủi ro trên biển.
Việc hình thành các tổ, đội đoàn kết nhằm hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi tham gia đánh bắt cá giữa biển khơi.
- Trong ảnh: Tàu cá BĐ 94439-TS của ông Nguyễn Văn Ái (xã Mỹ An, Phù Mỹ) cùng các tàu cá trong đội tham gia đánh bắt cá tại ngư trường truyền thống ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ tàu cá gặp nạn trên biển được ứng cứu an toàn nhờ vào các tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển. Mới đây, ngày 19.10, tàu cá do ông Huỳnh Thân (ở xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng, đang hành nghề câu cá ngừ đại dương trên vùng biển cách Tây Nam đảo Bông Bay (thuộc quần đảo Hoàng Sa) khoảng 75 hải lý thì tàu bị phá nước, chìm. Chỉ sau 4 giờ thông báo khẩn cấp, tàu cá trong tổ đoàn kết đã đến cứu 4 ngư dân trên tàu này kịp thời.
Ngày 14.10, tàu cá BĐ 95417-TS do ông Trần Văn Bình (ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng, hành nghề vây ánh sáng ở vùng biển gần khu vực bãi Đá Nham, thuộc quần đảo Trường Sa thì bị mắc cạn, phá nước. Sau đó, được tàu cá BĐ 96993-TS trong tổ tiếp ứng kịp thời nên 12 ngư dân gặp nạn đã được cứu vớt và chuyển giao qua một tàu cá khác đưa về đất liền.
Trước đó, ngày 20.8, tàu cá BĐ 98122-TS của ông Nguyễn Thư (ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn), hành nghề vây cá ngừ đại dương, cũng bị hỏng máy không khắc phục được, trong khi biển động mạnh, tính mạng của 15 ngư dân trêu tàu bị đe dọa. Nhận được thông tin, tàu BĐ 98026-TS cùng tổ đoàn kết đã kịp thời đến hỗ trợ lai dắt tàu gặp nạn cùng các ngư dân về cảng cá Quy Nhơn an toàn…
Trong điều kiện nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm, việc khai thác hải sản trên biển theo kiểu “một mình một thuyền” khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn, rủi ro. Ðể khắc phục tình trạng trên, từ năm 2005 đến nay, ngư dân trong tỉnh đã liên kết thành lập được 683 tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản với tổng số 2.936 tàu cá tham gia; mỗi tổ, đội có từ 3 - 5 tàu cá.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, cho rằng: Các tàu cá trong cùng tổ, đội thường khai thác thủy sản trên cùng ngư trường. Khi tàu nào không may gặp sự cố hỏng máy, hoặc có thuyền viên trên tàu đau ốm, tai nạn, sẽ hỗ trợ kịp thời. Hơn nữa, cơ quan chức năng cũng thuận tiện hơn khi nhận thông tin cứu nạn khẩn cấp từ tàu cá gặp nạn, chỉ cần thông báo cho các tàu cá đang đánh bắt gần khu vực tàu gặp nạn thì được hỗ trợ nhanh chóng. Qua đó, góp phần giảm đáng kể việc điều động tàu cứu nạn từ đất liền ra ứng cứu, vừa không kịp thời, vừa tốn kém chi phí.
Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, hiện nay Hoài Nhơn là địa phương có số tổ, đội đoàn kết được thành lập nhiều nhất của tỉnh, với 510 tổ, đội. Hiệu quả mà tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển mang lại sau những chuyến biển không chỉ là những khoang cá đầy, mà trong quá trình đánh bắt trên biển, các thành viên đùm bọc, giúp đỡ nhau khi gặp tai nạn. Do vậy, huyện rất quan tâm và chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục nhân rộng mô hình tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển.
TRỌNG LỢI