Sắp xếp, đổi mới hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp: Phấn đấu hoàn thành trong năm 2018
(BĐ) - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp (NLN) giai đoạn 2015-2017, do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 28.10 tại Hà Nội. Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu, cùng đại diện các sở, ngành.
Lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành của tỉnh tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các Công ty nông, lâm nghiệp
Theo Bộ NN&PTNT, có 40/41 phương án tổng thể với 252 công ty NLN tiến hành chuyển đổi mô hình sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 118/2014 của Chính phủ, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, đã có 17/19 Công ty TNHH MTV NLN duy trì mô hình DN Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện sản xuất kinh doanh (SXKD); chuyển đổi 71 công ty TNHH MTV nông nghiệp và 31 công ty lâm nghiệp thành công ty cổ phần; 38 công ty TNHH MTV NLN được chuyển đổi thành công ty TNHH hai thành viên trở lên… Nhìn chung, sau khi sắp xếp, đổi mới, các địa phương cơ bản đã xử lý được tồn tại về tài chính, tranh chấp, lấn chiếm đất đai; định hướng, chiến lược SXKD của các DN cụ thể, SXKD khá hiệu quả. Tuy vậy, một số địa phương, DN thực hiện việc này còn chậm.
Đại diện lãnh đạo các tỉnh đã đề nghị Chính phủ cho thêm thời gian để thực hiện và hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác đo đạc, xác định diện tích đất, tạo điều kiện cho các DN vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển SXKD.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành và các tỉnh thành trong nước, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty NLN tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành cơ bản việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty NLN theo đề án được duyệt trong năm 2018. Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện cơ chế chính sách để công ty NLN sau sắp xếp lành mạnh về tài chính, quản lý chặt chẽ đất đai, SXKD có hiệu quả. Xây dựng kế hoạch tiếp nhận đất đai của các công ty NLN giao về địa phương quản lý sử dụng.
T.SỸ