Ðiều chỉnh bất hợp lý trong năm sinh liệt sĩ và thân nhân: Phân loại và giải quyết theo từng trường hợp
Vài năm trở lại đây, các trường hợp sai lệch năm sinh giữa hồ sơ liệt sĩ và CMND của thân nhân liệt sĩ, dẫn đến không ít khó khăn trong giải quyết chính sách BHYT. Từ gợi ý của Bộ trưởng Bộ LÐ-TB&XH Ðào Ngọc Dung (trong chuyến làm việc với UBND tỉnh, tháng 10.2017), các ngành liên quan đang bàn bạc tìm giải pháp phù hợp.
Theo Sở LĐ-TB&XH, các trường hợp sai lệch thông tin (gồm năm sinh, tên đệm, thậm chí cả họ) giữa hồ sơ gốc và CMND của thân nhân liệt sĩ khá lớn. Những năm qua, tỉnh đã điều chỉnh, thống nhất thông tin cho khoảng 6.000 trường hợp. Tuy nhiên, đối với các trường hợp sai lệch quá đặc biệt, hầu hết các địa phương đều lúng túng trong giải quyết.
Các địa phương sẽ tổng hợp, phân loại các trường hợp sai lệch thông tin của thân nhân liệt sĩ giữa hồ sơ liệt sĩ và CNMD, gửi về Sở LĐ-TB&XH để trình UBND tỉnh xem xét, Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn.
- Trong ảnh: Thân nhân liệt sĩ Nguyễn Xuân Thảo (TX An Nhơn) đón hài cốt liệt sĩ trở về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. (Ảnh minh họa)
Ông Từ Xuân Mười, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão, nêu ví dụ: “Một trường hợp là chị liệt sĩ (diện thân nhân là người nuôi dưỡng) khai trong hồ sơ mình sinh năm 1923, em trai (liệt sĩ) sinh năm 1938. Trong khi, tại CMND, bà lại khai năm sinh của mình là 1940. Lúc bà mang thẻ BHYT đi khám, BHXH không chấp nhận chi trả vì đối chiếu giữa năm sinh tại CMND và hồ sơ liệt sĩ quá bất hợp lý - chị lại sinh sau em. Một trường hợp khác, con liệt sĩ lại sinh sau khi liệt sĩ hy sinh 2 năm. Qua thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn huyện có vài chục trường hợp bất hợp lý trong năm sinh như thế”.
Cũng gặp phải những trường hợp tương tự, Phòng LĐ-TB&XH TX An Nhơn đã hướng dẫn thân nhân liệt sĩ làm đơn xin điều chỉnh thông tin trên CMND hoặc hộ khẩu, hộ tịch nhằm khớp với hồ sơ liệt sĩ để thụ hưởng chính sách. “Hướng xử lý này trước hết là bởi không được phép điều chỉnh thông tin trong hồ sơ liệt sĩ. Nhưng thực tế, làm theo cách này sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi việc điều chỉnh sẽ tác động đến nhiều loại giấy tờ khác của thân nhân và cả con em của họ; liên quan đến cả quá trình công tác, làm việc...”, ông Phạm Văn Hiển, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH TX An Nhơn trao đổi.
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn cũng nhấn mạnh về vướng mắc này và bức xúc của người dân trong các đợt tiếp xúc cử tri. Ông lý giải, do đặc thù lịch sử, nhiều người phải khai lệch tuổi để trốn quân dịch thời chiến tranh hoặc để được đi học vào thời bình. Đó là chưa kể một bộ phận người đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa, thiếu hiểu biết, thông tin nên khai thông tin giữa các giấy tờ chưa thống nhất.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã đề nghị tỉnh tổng hợp và phân loại các trường hợp không khớp thông tin về thân nhân trên thẻ BHYT và CMND, gửi về Cục Người có công để có những hướng dẫn. Theo ông, cách giải quyết phù hợp nhất là thực hiện xác nhận thân nhân liệt sĩ và xác nhận này chỉ đáp ứng cho việc thực hiện BHYT cho đối tượng, để tránh ảnh hưởng đến các hồ sơ, công tác khác.
“Sắp tới, Sở LĐ-TB&XH và BHXH tỉnh sẽ có buổi làm việc, bàn bạc. Tinh thần chung là bám sát gợi ý của Bộ trưởng, thực hiện xác nhận đối tượng là thân nhân liệt sĩ, chỉ phục vụ cho việc cấp BHYT. Các xã, phường, thị trấn sẽ thống kê các trường hợp chưa khớp thông tin, thông qua Hội đồng chính sách xã để xem xét từng trường hợp, xác nhận và gửi đề xuất về cấp huyện. Phòng LĐ-TB&XH huyện sẽ trình đề xuất này lên UBND huyện và gửi về Sở. Đối với những trường hợp quá khó, chúng tôi sẽ đề nghị về Bộ để tìm cách xử lý”, ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết.
NGUYỄN MUỘI