Gốm cổ Champa có nhiều mối quan hệ với Ðại Việt
Ngày 28.10, Hội thảo khoa học quốc tế “Gốm cổ Bình Ðịnh - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Ðại Việt (thế kỷ XI - XV)”, đã diễn ra tại TP Quy Nhơn. Việc tìm hiểu những mối quan hệ mà chủ đề Hội thảo hướng đến đã được nhiều nhà nghiên cứu phân tích, làm rõ.
Nhiều học giả quốc tế có uy tín đã về dự Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS Bùi Nhật Quang, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh… cùng nhiều nhà nghiên cứu, đại biểu trong nước và quốc tế.
Gốm Champa ở Hoàng thành Thăng Long
“Chung sống yên bình trong bối cảnh đa dạng văn hóa và nền nghệ thuật điêu khắc giàu sức sống đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho những thợ gốm người Việt và họ đã tạo nên những sản phẩm gốm mang đậm yếu tố văn hóa Chăm - Việt. Và cũng từ đây, những yếu tố văn hóa Ðại Việt đã được dung hợp vào văn hóa Chăm và truyền bá kỹ thuật vào trong đời sống xã hội của người Chăm”
PGS.TS BÙI MINH TRÍ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành
Trình bày tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành nhìn nhận, việc tìm thấy những hiện vật gốm Champa Bình Định tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long là câu chuyện hết sức thú vị. Các hiện vật này gồm các loại bình, vò, hũ, chậu tỳ bà, và bát, đĩa; khá phong phú về hình dáng, màu men và hoa văn trang trí. Nghiên cứu địa tầng và đặc trưng kỹ thuật, đồ gốm Champa tìm thấy được xếp vào khung niên đại nửa đầu thế kỷ XV. Đây là vào thời kỳ Lê Sơ, các lò gốm ở Thăng Long khi đó không những sản xuất nhiều đồ gốm phục vụ cho triều đình mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới…
Những hình ảnh hiện vật cho thấy sự tương đồng giữa gốm Champa với gốm Thăng Long - Đại Việt được giới thiệu tại Hội thảo.
Gốm Champa tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long (so với mặt bằng gốm cổ Bình Định) phần lớn là đồ gốm cao cấp. Trong chính sử có ghi rõ vào các năm 1427, 1434, 1435, Chiêm Thành đã cử sứ thần mang lễ vật cống triều đình Thăng Long, nhưng không nêu rõ tên các loại cống phẩm. Đây là một trong những cơ sở để PGS.TS Bùi Minh Trí có giả thiết mới, lần đầu tiên được ông nêu ra: “Xét trong bối cảnh và mối tương quan trong sản xuất đồ gốm tại Thăng Long và các lò gốm phía Bắc của Đại Việt và số lượng loại hình đồ gốm Bình Định tìm thấy tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long không quá nhiều, phần lớn là đồ gốm cao cấp. Tôi nghĩ rằng đây có thể là đồ triều cống của vương triều Vijaya với triều đình Thăng Long...”.
PGS.TS Bùi Minh Trí giới thiệu về các hiện vật gốm cổ Bình Định đang trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho các đại biểu về dự Hội thảo.
Sự kết hợp Việt - Chăm
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đã nghiên cứu, so sánh kỹ thuật kê nung giữa gốm men Lý - Trần ở Thăng Long với gốm men Gò Sành, cho thấy có mối quan hệ khá rõ ràng qua kỹ thuật kê nung, với cách chế tạo, sử dụng con kê và các dấu kê để lại trên đồ gốm. Đồng thời, có thể nhận ra các loại hình gốm giai đoạn này ở cả hai khu vực sản xuất còn có sự tương đồng ở một số khía cạnh như kiểu dáng, sản phẩm gốm men độc sắc…
Tại Hội thảo, có 19 tham luận được các nhà khoa học trong nước, học giả quốc tế trình bày trực tiếp. Trong phát biểu tổng kết, PGS.TS Bùi Minh Trí ghi nhận nhiều mặt thành công của Hội thảo. Trong đó, có việc trao đổi sâu hơn về vấn đề niên đại, chủ nhân của các lò gốm cổ ở Bình Định, dù điều này vẫn còn chưa thống nhất, cần có sự nghiên cứu thêm. Sự giao lưu ảnh hưởng văn hóa Champa đến Thăng Long - Đại Việt và ngược lại, lần đầu được trao đổi trên diện rộng, có nhiều nghiên cứu giá trị.
Những công trình nghiên cứu trình bày trong Hội thảo đã góp phần làm rõ thêm về xuất khẩu gốm cổ Bình Định trong hệ thống thương mại biển châu Á và trong bối cảnh giao lưu kinh tế - văn hóa với các nước trong khu vực Đông Nam Á ở thế kỷ XV. Hội thảo cũng đã gợi mở những vấn đề mới để nghiên cứu một cách khoa học hơn, toàn diện hơn...
Từ đó, PGS.TS Tống Trung Tín cho rằng kỹ thuật sản xuất gốm men của lò Gò Sành là do người Việt đưa vào, đồng thời thợ gốm Việt còn kết hợp với thợ gốm Chăm đưa sản phẩm hợp tác này thành dạng sản phẩm Chăm - Việt rất đặc trưng cho mối quan hệ Đại Việt - Champa trong lịch sử, giai đoạn khoảng nửa cuối thế kỷ XIV đến thế kỷ XV. “Ít nhất với vai trò nắm bắt thuần thục bí quyết sản xuất gốm men, thợ Việt thời Trần bằng con đường nào đó đã xuất hiện tại các trung tâm gốm men Bình Định và đóng vai trò như các thợ cả kết hợp với thợ gốm bản địa sản xuất ra các sản phẩm gốm Gò Sành đặc sắc...”, PGS.TS Tống Trung Tín nhìn nhận.
PGS.TS Đặng Văn Thắng, Đại học KHXH & NV TP Hồ Chí Minh, đánh giá sản phẩm bát, đĩa ve lòng, âu, bình men ngọc, men nâu, bát men ngọc vẽ nâu của gốm Champa chịu “ảnh hưởng đậm đà” gốm Việt Nam. Ông cũng cho rằng, nhiều khả năng người Chăm học hỏi kiểu ngói mũi nhọn, ngói cánh sen của người Việt vào thế kỷ XIII - XV. Ngược lại, người Việt học kiểu làm gạch và gốm kiến trúc màu đỏ đẹp, không bị nấm mốc dùng trong xây dựng Hoàng thành Thăng Long. “Gốm Champa có mối quan hệ chặt chẽ với gốm Việt Nam qua kỹ thuật dùng con kê, kỹ thuật ve lòng và sử dụng bao nung...”, PGS.TS Đặng Văn Thắng khẳng định.
Trong mắt các học giả quốc tế
Hội thảo khoa học quốc tế lần đầu tiên về gốm cổ Bình Định đã thu hút sự quan tâm của nhiều học giả quốc tế. Các học giả này đã gửi tổng cộng 16 tham luận về nhiều vấn đề liên quan.
Nhấn mạnh giá trị, quá trình giao lưu thương mại của gốm Champa - Vijaya giai đoạn thế kỷ XI - XV, TS David Kyle Latinis, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore), chia sẻ: Trước năm 1990 chưa có nhiều thông tin về gốm cổ Bình Định được giới thiệu ra quốc tế, điều kiện tiếp cận nghiên cứu ít ỏi. Khi các thông tin về gốm Champa -
Vijaya xuất hiện nhiều hơn, tôi đã rất quan tâm. Các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều hiện vật gốm Champa - Vijaya ở Indonesia, đây là thông tin thú vị.
PGS.TS Sakai Takashi (người đứng) đang trình bày tại Hội thảo
Th.S Atthasit Sakkham, Bảo tàng gốm sứ Đông Nam Á, Đại học Bangkok (Thái Lan), chia sẻ thông tin, ở phía Nam của vương quốc Ayuthaya (1350-1767), hoặc ở Siam - giữa vịnh Thái Lan, người ta đã tìm thấy nhiều sản phẩm gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương), gốm Gò Sành (Bình Định). Các đồ gốm tìm thấy ở các tàu đắm, các điểm khai quật trên đất liền và ở các đền thờ Phật giáo.
Nhà nghiên cứu Hanapi Haji Maidin, Bảo tàng quốc gia Brunei, cho biết ở Brunei - quốc gia là trung tâm thương mại quan trọng thời cổ đại, đã nhập khẩu nhiều loại gốm ở các nước, trong đó có những loại gốm xuất xứ từ Bình Định. Ông khẳng định gốm cổ Bình Định cũng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp đồ gốm ở đất nước này, đồng thời trình bày nhiều so sánh gốm Bình Định tìm được ở Brunei và ở các quốc gia Đông Nam Á khác, hoặc trong các đợt khai quật các trung tâm sản xuất gốm ở Bình Định mà các đại biểu về dự Hội thảo đã được thăm quan.
Các nhà nghiên cứu đến từ Bảo tàng quốc gia Philippines, đã trình bày về gốm cổ Bình Định được tìm thấy trên các di chỉ, công trình khảo cổ khác nhau ở Philippines; có nhiều dấu hiệu cho thấy dòng gốm này từng được người Philippines ưa chuộng.
PGS.TS Sakai Takashi, Đại học quốc gia Đài Loan, lại đem đến những nghiên cứu về ngói có men Việt Nam tìm thấy ở Trowulan (Indonesia), được sản xuất theo yêu cầu để sử dụng trang trí tường ở các đền thờ Hồi giáo. Trong đó, cũng gợi mở những vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu gốm Champa...
HOÀI THU