Sau 3 năm thi hành Luật Tiếp công dân: Tình hình khiếu nại, tố cáo chưa hết phức tạp
Sau 3 năm đi vào thực tế, Luật Tiếp công dân đã tạo ra hành lang pháp lý để các cấp, các ngành, địa phương thực hiện có nền nếp hoạt động tiếp công dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp trên lĩnh vực này.
“Nóng” bồi thường giải phóng mặt bằng
Tính từ ngày 1.7.2014 đến 1.7.2017, các cấp, các ngành của tỉnh đã tiếp 15.125 lượt/ 17.800 người đến trụ sở Tiếp công dân và các cơ quan hành chính nhà nước các cấp để trực tiếp trình bày khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh đối với 13.850 vụ việc. Trong đó, có 7.534 vụ KN, 165 vụ TC và 6.151 vụ kiến nghị, phản ánh khác. Đáng chú ý, trong các vụ KN, có đến 5.215 vụ (chiếm 69,2%) liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ.
Cán bộ ở cơ sở chú trọng hướng dẫn, giải thích khi tiếp dân sẽ giúp hạn chế phát sinh KNTC.
- Trong ảnh: Cán bộ UBND xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn) hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính trên lĩnh vực tư pháp.
Qua tiếp nhận và phân loại, xử lý đơn thư, các cấp, các ngành đã có văn bản hướng dẫn, chuyển đơn, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền đối với 7.738 vụ KNTC, kiến nghị phản ánh; tiến hành thụ lý theo quy định của pháp luật đối với 3.807 vụ KN và 245 vụ TC thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Cần có cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân
Quá trình thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư còn xảy ra tình trạng chuyển đơn lòng vòng, hướng dẫn công dân thực hiện việc KNTC, kiến nghị, phản ánh không đúng quy định. Ðể giải quyết tình trạng trên, UBND tỉnh kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết KNTC, kiến nghị, phản ánh, cũng như xây dựng phần mềm xử lý, quản lý công tác tiếp công dân để áp dụng trên toàn quốc.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, nhìn chung, công tác tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh và cấp huyện từng bước đi vào nền nếp, bảo đảm thực chất, có hiệu quả. Quá trình tiếp xúc, đối thoại, tiếp công dân được thực hiện công khai, dân chủ, tôn trọng lắng nghe các yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của công dân. Qua đó, góp phần nâng cao từng bước chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều dự án lớn triển khai trên địa bàn tỉnh, tình hình KNTC ở địa phương cũng diễn ra phức tạp với sự gia tăng về số lượng người KN và nội dung KN. Đặc biệt, có những vụ KN phức tạp, gay gắt, tập trung đông người, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước. Cụ thể, có 94 đoàn đông người/3.195 người tham gia đối với 88 vụ việc.
Chính sách bất cập, nhân lực hạn chế
Theo ông Nguyễn Văn Thơm - Chánh Thanh tra tỉnh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai còn nhiều bất cập, thường xuyên thay đổi, chưa phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa phương, chính sách sau có lợi hơn chính sách trước nên dễ nảy sinh tâm lý so bì.
Ngoài yếu tố khách quan đó, lãnh đạo một số ngành, địa phương còn chưa quan tâm thực hiện công tác giải quyết KNTC. Một số lãnh đạo địa phương còn ngại gặp gỡ, đối thoại với công dân, cử người không đủ thẩm quyền hướng dẫn, giải thích cho công dân hoặc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giải quyết, dẫn đến việc khiếu kiện vượt cấp.
“Đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tham mưu trên lĩnh vực này năng lực không đồng đều, một số ít hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nhất là ở cơ sở, nên tham mưu giải quyết một số vụ việc chưa kịp thời, chất lượng không cao. Thậm chí, có vụ việc bị sai sót do vận dụng pháp luật không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích chính đáng của công dân dẫn đến phát sinh khiếu kiện”, ông Thơm nhận định.
Ở chiều ngược lại, một số công dân không nắm rõ pháp luật nên thực hiện chưa đúng quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia khiếu kiện. Phổ biến nhất là không xác định được vụ việc KNTC, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nào, nên có nhiều vụ việc công dân gửi đơn khiếu kiện đến nhiều cấp, nhiều ngành.
Bên cạnh đó, có một số công dân còn cố chấp, có hành vi lợi dụng dân chủ và quyền KNTC, xúi giục, kích động gây rối trật tự công sở hoặc xúc phạm danh dự cán bộ, công chức nhà nước. Đơn cử là trường hợp ông H.T.T (xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn). Dù vụ KN của ông T. đã được UBND tỉnh giải quyết xong, nhưng ông không đồng ý, tiếp tục KN kéo dài. “Điều đáng nói là ông hay lớn tiếng, thái độ hung hăng, nhiều khi còn xúc phạm người khác”, một cán bộ làm công tác tiếp dân ở TX An Nhơn ngao ngán kể.
NGUYỄN VĂN TRANG