Sùng đất - món “đặc sản” quê nghèo
Những ngày này, nhiều người hiếu kỳ đã xúm xem bà con nông dân xã An Hòa, An Tân (huyện An Lão), hì hục lật từng thớ đất bãi bồi ven sông để bắt sùng đất. Những con sùng vàng óng, béo tròn bật ra từ những nhát cuốc cho ta một cảm giác khoan khoái.
Thông thường, sùng đất trưởng thành vào mùa mưa, độ giữa tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch. Những con sùng đất mập ú, đặc quánh sữa thường hay trú ngụ ở vùng đất phù sa, dọc các triền sông. Sùng đất tuy không hiếm, nhưng để đào được những con tươi ngon, đặc quánh sữa, to gần bằng ngón chân cái là điều không dễ dàng. Vì vậy, mỗi người đào sùng thường giữ cho mình bí quyết riêng để đào được nhiều, nếu không muốn về tay không.
Sùng đất được xem là món ăn ngon, bổ dưỡng và khá thú vị. Cách chế biến món sùng đất cũng rất đơn giản, chỉ cần ướp nước mắm, bột ngọt, ớt, tiêu, sả vừa ăn, để khoảng 30 phút cho gia vị thấm đều. Sau đó, chế biến thành những món ngon như sùng rang, sùng chiên giòn, nướng...
Có lẽ không gì hấp dẫn hơn vào ngày đông rét mướt, hương thơm sùng đất lan tỏa bên bếp lửa hồng ấm áp, mọi người cùng quây quần thưởng thức. Ăn món này với cơm nóng kèm rau thơm sẽ cho ta một bữa cơm thú vị từ sự kết hợp màu sắc, mùi thơm và vị béo, ngọt, bùi của chất sữa đặc sánh trong từng con sùng.
Những năm trước đây, đời sống người dân An Lão còn khó khăn, con sùng đất, dế, cua, ốc, cá đồng… là một phần trong nguồn thực phẩm chủ yếu của người nông dân. Nay đời sống đã đầy đủ hơn, món sùng đất dân dã lại trở thành “đặc sản” để tiếp đãi bạn bè phương xa hay vào nhà hàng, quán xá.
DIỆP THỊ DIỆU