Hoạt động xuất khẩu: Phát huy vai trò “đầu tàu” của các DN thuộc nhóm hàng chủ lực
Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn song hoạt động xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh vẫn cơ bản giữ được ổn định, phát triển. Ðạt được kết quả trên có vai trò quan trọng của các DN thuộc nhóm hàng chủ lực của tỉnh. Trước những khó khăn, thách thức mới, để hoạt động xuất khẩu phát triển bền vững, rất cần vai trò “đầu tàu” của các DN này.
BIDIFISCO là một trong những DN trên địa bàn tỉnh đạt giá trị KNXK cao nhất và sẽ giữ vai trò “đầu tàu” dẫn dắt hoạt động XK ngày càng phát triển.
- Trong ảnh: Một góc phân xưởng chế biến hải sản của BIDIFISCO. Ảnh: VĂN LƯU
Vai trò của nhóm hàng chủ lực
Ông Lê Minh Thiện, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hưng, cho biết: Năm 2017 mặc dù sức ép “khủng hoảng ngành chế biến gỗ và lâm sản (CBG-LS)” đã giảm, song các DN CBG-LS trên địa bàn vẫn phải đối diện với không ít khó khăn, thử thách, nhất là những “rào cản kỹ thuật” do các nước nhập khẩu áp đặt. Tuy nhiên, nhờ cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường kiểm soát các công đoạn chế biến gỗ theo chuẩn mực quốc tế, hoạt động của công ty vẫn ổn định, phát triển. Kết quả, tính đến cuối tháng 10.2017, Công ty Hoàng Hưng đã đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) trên 7,9 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016.
10 tháng đầu năm, giá trị KNXK của nhóm hàng dệt may đạt 92,8 triệu USD (tăng 3,3%); nhóm hàng thủy sản đạt gần 63 triệu USD (tăng 9,3%); nhóm chất dẻo gần 16 triệu USD (tăng gần 51%); nhóm sản phẩm gỗ 190,2 triệu USD (tăng 6,2%); nhóm gỗ gần 108 triệu USD (tăng 8,8%)…
Còn theo ông Võ Mai Hưng, Phó giám đốc Sở Công Thương, tính đến cuối tháng 10.2017, nhóm sản phẩm gỗ toàn tỉnh đạt 190,2 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2016; nhóm gỗ đạt gần 108 triệu USD, tăng 8,8%... Đạt được kết quả trên có vai trò quan trọng của các DN thuộc nhóm hàng chủ lực của tỉnh, trong đó có Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, Công ty TNHH Hoàng Hưng, Công ty CP Phú Tài, Công ty TNHH Phước Hưng… Riêng Công ty CP Kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, từ đầu năm 2017 đến nay đã đạt giá trị KNXK trên 20,8 triệu USD, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo ông Võ Mai Hưng, giá trị KNXK tháng 10.2017 đạt hơn 62 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2017, giá trị KNXK toàn tỉnh đạt gần 590 triệu USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2016. Đạt được kết quả trên là nhờ những nỗ lực của các DN thuộc nhóm hàng XK chủ lực, như thủy sản, gạo, mì và sản phẩm từ mì, khoáng sản, sản phẩm từ chất dẻo, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may. Tiêu biểu trong nhóm hàng thủy sản là Công ty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO), với giá trị KNXK 10 tháng đầu năm đạt trên 49,5 triệu USD; tiếp đó là Công ty CP Thực phẩm XNK Lam Sơn - trên 4 triệu USD; Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn - trên 3 triệu USD…
Phát huy vai trò “đầu tàu”
Bên cạnh những thành tưu, hoạt động xuất khẩu thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Theo ông Lê Minh Thiện, ngoài việc phải đối diện trước những “rào cản kỹ thuật” và những quy định của các nước nhập khẩu, các DN CBG-LS trên địa bàn còn phải chịu nhiều áp lực về môi trường kinh doanh; giá cả, nguồn nguyên liệu đầu vào; giá cước dịch vụ và cả việc cạnh tranh gay gắt với các DN ngoài nước...
Còn theo ông Võ Mai Hưng, bên cạnh sự tăng trưởng của một số nhóm hàng, vẫn còn một số nhóm hàng chủ lực của tỉnh có sự giảm sút, như gạo, mì và các sản phẩm từ mì; quặng và khoáng sản... Tính đến cuối tháng 10.2017, giá trị KNXK của nhóm hàng mì và sản phẩm từ mì đạt 54 triệu USD (giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2016); quặng và khoáng sản khác đạt gần 33 triệu USD (giảm gần 12%); gạo đạt 13,4 triệu USD (giảm gần 16%)... Ông Võ Mai Hưng phân tích: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự giảm sút trên, trong đó có vấn đề thị trường tiêu thụ mặt hàng mì và sản phẩm từ mì thiếu ổn định, do cạnh tranh về giá; thương hiệu sản phẩm gạo có phần thấp; còn mặt hàng quặng và khoáng sản thì sản lượng thấp.
Trong tháng 11.2017 ngành Công Thương tỉnh phấn đấu đạt giá trị KNXK 67 triệu USD (tăng 5%) và 11 tháng đạt 657 triệu USD để đến cuối năm 2017 đạt 800 triệu USD (tăng 9,5% so năm 2016).
Để thực hiện đạt mục tiêu trên là không đơn giản. Bởi lẽ, ngay cả các DN thuộc nhóm hàng chủ lực của tỉnh cũng đang phải đối diện với những khó khăn, thử thách. Bên cạnh những “rào cản kỹ thuật” đối với các DN CBG-LS, các DN thủy sản cũng phải đối diện trước quyết định của Ủy ban châu Âu (EC) về việc giơ “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam.
Trước tình hình như vậy, Sở Công Thương sẽ chú trọng phát huy vai trò “đầu tàu” của các DN thuộc nhóm hàng chủ lực của tỉnh (gồm nông sản, lâm sản, hải sản, khoáng sản và vật liệu xây dựng…); có cơ chế, chính sách ưu đãi đối với nhóm hàng XK chủ lực; hỗ trợ các DN tăng cường chất lượng sản phẩm theo chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật mà các nước nhập khẩu đề ra…
VIẾT HIỀN