Nguy cơ lạm sinh không cao
Ðó là nhận định của Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh Nguyễn Văn Quang về tác động của chính sách mới về “cởi trói” việc sinh đẻ có kế hoạch, nới lỏng mức sinh... đến tình hình dân số trong tỉnh.
Vẻ mặt rạng ngời của một người cha bên cô con gái thứ hai (ảnh chụp tại TTYT TX An Nhơn). Ảnh: THẢO KHUY
● Vì sao công tác dân số có sự thay đổi, chuyển hướng như trên, thưa ông?
- Theo kinh nghiệm về công tác dân số quốc tế, tất cả các nước đều thực hiện giảm sinh thành công, nhưng không một quốc gia nào có mức sinh thấp mà kích sinh thành công. Với Việt Nam, ta đã giảm mức sinh từ rất cao - 6,3 con/ bà mẹ tuổi sinh đẻ (năm 1961) xuống mức sinh thay thế hiện nay là 2,1 con, đồng thời duy trì ổn định từ 10 năm qua.
Dự thảo Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới của Trung ương Ðảng tại Hội nghị lần thứ 6 (khóa XII) chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGÐ sang dân số và phát triển, gắn với các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số.
Hiện nay, công tác dân số đang đối diện với những thách thức, nguy cơ mới như: già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, chất lượng nguồn nhân lực… Trước tình hình đó, cần có sự thay đổi để thích ứng và giải quyết những vấn đề đang đặt ra hiện nay và trong tương lai. Do vậy, nếu trước đây chỉ vận động giảm sinh 1 chiều, áp dụng chung cả nước thì nay yêu cầu đặt ra cụ thể, phù hợp, linh hoạt cho từng vùng miền, theo hướng kích sinh đối với những nơi có mức sinh thấp như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long… và giảm sinh ở những nơi có mức sinh cao như Tây Nguyên, Tây Bắc…
● Vậy Bình Định rơi vào trường hợp nào, có đặc điểm riêng gì, thưa ông?
- Bình Định không phải kích sinh, cũng không phải giảm sinh, mà là duy trì mức sinh thay thế đang đạt được. Có hay không có vấn đề nới sinh, thì công tác dân số Bình Định những năm gần đây đã đi theo hướng đó. Những nơi nào sinh 3 cao thì ngành tác động, tham mưu để các cấp địa phương đó khắc phục, tương tự những nơi sinh 3 thấp thì không giao chỉ tiêu giảm sinh mà tập trung giữ mức sinh thay thế.
“Mục tiêu hướng đến là duy trì ổn định mức sinh thay thế, đẩy mạnh cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 đứa con, vận động tăng sinh ở những nơi có mức sinh thấp và giảm sinh ở những nơi có mức sinh cao”
Ông NGUYỄN VĂN QUANG - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGÐ tỉnh
Xu hướng sinh con 1 hoặc vô sinh, tình trạng thích sống độc thân và không sinh con có chiều hướng tăng trong xã hội hiện đại. Thấy được nguy cơ đó, vài năm trở lại đây, ngành dân số đã tham mưu cho UBND tỉnh không giao chỉ tiêu giảm tỉ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với những địa phương có mức sinh thấp như TP Quy Nhơn đồng thời tăng cường truyền thông thông điệp “nên sinh đủ 2 đứa con”.
Tuy nhiên với địa phương có mức sinh 3 trở lên quá cao như Phù Mỹ, ngành đã cảnh báo và yêu cầu ngành dân số địa phương tham mưu chính quyền để có biện pháp cải thiện hiệu quả.
● Với quy định nới mức sinh, ông có lo ngại sẽ tăng mức sinh hoặc có nguy cơ “bùng nổ” dân số không - nhất là khi tỉnh ta có nhiều xã ven biển, có nhiều làng dân tộc thiểu số miền núi vốn là những khu vực có mức sinh cao?
- Nói không lo ngại là không đúng, tuy nhiên nguy cơ này theo tôi là không cao. Qua theo dõi nhiều năm tình hình dân số ở các huyện miền núi trong tỉnh và khảo sát thực tế, ý thức sinh ít con để đảm bảo tốt hơn việc chăm sóc, nuôi dạy đã hình thành trong đồng bào. Nguy cơ lạm sinh lớn nhất vẫn là ở vùng biển. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, số sinh 3, 4 sẽ bù cho số chỉ sinh 1, số không sinh, số vô sinh.
Còn tình trạng một số gia đình có điều kiện kinh tế muốn sinh thêm con thì tỉ lệ nhỏ, không đáng ngại. Năm 2009 tôi có làm một đề tài nghiên cứu về đối tượng sinh con thứ 3 (Sinh con thứ 3 ở Bình Định năm 2008 và những yếu tố liên quan), phạm vi nghiên cứu trên toàn tỉnh. Kết quả, 98% số trường hợp sinh 3 có trình độ văn hóa thấp, không nghề nghiệp ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn. Còn đảng viên, cán bộ, người có điều kiện khá giả chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Nhiều người ngộ nhận qua một vài hiện tượng rồi cho đó là xu hướng, nguy cơ... là không phải.
● Cám ơn ông!
SAO LY (Thực hiện)