Có “2 vòng kim cô” cản trở nông nghiệp Việt Nam phát triển
Theo GS Đặng Hùng Võ, trong nông nghiệp hiện có “2 vòng kim cô” cản trở phát triển là thời hạn sử dụng đất và hạn điền.
Chính sách "hạn điền" được cho là một trong những nguyên nhân cản trở phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn (ảnh minh họa: KT)
Muốn tăng trưởng nông nghiệp, cần sửa đổi Luật Đất đai và nâng cao khả năng dự báo thị trường nông sản, là những vấn đề mà cử tri muốn gửi gắm đến các đại biểu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra.
Nhiều cử tri cho rằng, để tạo ra đột phá cho ngành nông nghiệp phải tổ chức lại nền sản xuất vốn lấy hộ cá thể làm trọng tâm, chuyển sang hệ thống sản xuất lấy doanh nghiệp làm trọng tâm. Tuy nhiên, các cơ chế và chính sách hiện tại còn nhiều rào cản. Chính sách cốt lõi để tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp chính là xoá bỏ “hạn điền”, tạo cơ chế tập trung, tích tụ đất đai linh hoạt tùy bài toán kinh doanh của các doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cần diện tích đất đai lớn cho sản xuất, canh tác trong khi chính sách hạn điền không cho phép và đây là rào cản lớn nhất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.…
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Nông nghiệp hiện có “2 vòng kim cô” khoác lên đất sản xuất nông nghiệp, vì vậy không động viên thu hút được đầu tư tạo ra quy mô lớn trong sản xuất, đó là sử dụng đất là có thời hạn, diện tích có hạn mức tức là có “hạn điền”.
Theo ông Võ, "phải bỏ cả hạn điền và thời hạn sử dụng đất. Lúc đó chúng ta sẻ giải phóng toàn bộ “tư liệu sản xuất” về đất đai của nông nghiệp, như vậy mới đạt được nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn và thu hút mạnh mẽ sự đầu tư của các thành phần kinh tế."
Nhiều cử tri trăn trở: mặc dù nhiều biện pháp đã được thực hiện để phát triển nông nghiệp bền vững, nhưng tình trạng “giải cứu” nông sản vẫn tiếp tục tái diễn từ nhiều năm qua. Theo ý kiến của cử tri, ngoài việc sản xuất tự phát không theo quy hoạch từ phía nông dân, nguyên nhân còn do chính sách phát triển thị trường chưa được quan tâm đúng hướng và chưa hiệu quả.
Nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành nhưng việc tiếp cận từ phía nông dân và doanh nghiệp còn bị động. Cách làm thị trường nông nghiệp hiện nay vẫn chưa lấy thị trường làm thước đo và mục tiêu để phát triển sản phẩm; thường sản xuất và tìm cách tiêu thụ những gì sẵn có, dễ có mà không tập trung tạo ra các sản phẩm thị trường có nhu cầu, việc quảng bá cho sản phẩm của Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Cử tri Ninh Văn Thái ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương kiến nghị: "Sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô và sản lượng lớn phải gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ. Nếu không làm tốt thị trường tiêu thụ thì sản xuất quy mô càng lớn mà không có thị trường đầu ra ổn định thì giá sẽ giảm và hiệu quả thấp."
Nông nghiệp được xác định là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2016-2020. Để nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng và là “trụ đỡ” của nền kinh tế, những rào cản về đất đai và tổ chức sản xuất theo định hướng thị trường trong nông nghiệp, cần phải được đẩy nhanh và tháo gỡ kịp thời./.
Theo Minh Long (VOV)