Các HTX sản xuất rau an toàn: Muốn được “gỡ ” khó về thuế
Bị phạt tiền thuế, cộng với hoạt động khó khăn, HTXNN Phước Hiệp (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) báo cáo UBND tỉnh xin được miễn thuế kinh doanh rau an toàn VietGAP thuộc Dự án Sinh kế nông thôn bền vững tỉnh Bình Ðịnh, do New Zealand tài trợ.
Sơ chế sản phẩm rau an toàn tại HTXNN Phước Hiệp. Ảnh: Tiến Sỹ
Câu chuyện được bắt đầu khi HTXNN Phước Hiệp xác định hoạt động kinh doanh rau VietGap thuộc dự án rau an toàn Bình Định được ưu tiên miễn thuế, nên không kê khai nộp thuế đối với hoạt động này. Trong khi đó, Chi cục Thuế huyện Tuy Phước xác định đây là ngành nghề kinh doanh không được miễn thuế (cho rằng HTX không tự sản xuất mà đứng ra làm đầu mối thu gom các sản phẩm rau an toàn rồi bán ra). Trên cơ sở đó, Chi cục Thuế huyện ra quyết định truy thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và phạt nộp chậm về khoản mua bán rau an toàn của HTXNN Phước Hiệp trong 2 năm 2014 và 2015. Tổng cộng mức truy thu của HTX hơn 60,5 triệu đồng.
Trước thực tế này, mới đây HTXNN Phước Hiệp đã báo cáo lên UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét được miễn thuế trên lĩnh vực này trong thời gian qua và các năm tiếp theo của dự án pha 2 giai đoạn 2016 - 2020.
Theo HTXNN Phước Hiệp, dự án rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTXNN Phước Hiệp được Dự án Sinh kế nông thôn bền vững tỉnh Bình Định tài trợ với mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ trồng rau an toàn VietGap; cải tạo môi trường, đảm bảo ổn định sản xuất lâu dài, bền vững, kết nối các hộ nông dân nghèo và cận nghèo tại địa phương, góp phần cải thiện sinh kế của các hộ nông dân. Người dân tham gia dự án được hỗ trợ về cơ sở vật chất, cấp vốn, tập huấn quy trình kỹ thuật, tổ chức kết nối thị trường cho sản phẩm…
Ông Phạm Long Thăng - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTXNN Phước Hiệp - cho hay, HTX hình thành 4 nhóm cùng sở thích sản xuất rau an toàn VietGap với quy mô 5,7 ha (trong đó, có 1 ha thuộc đất dự phòng), gồm 87 hộ tham gia. Hai năm đầu, các nhóm cùng sở thích này tự tổ chức quản lý, điều hành sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn nhưng không thành công. Do vậy, dự án đã phối hợp với địa phương, giao trách nhiệm cho HTX tổ chức quản lý, điều hành hướng dẫn nông dân sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm. Đây là lĩnh vực mới nên HTX vừa học vừa làm, việc tổ chức kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn; hoạt động đang trong giai đoạn tìm kiếm thị trường, sản lượng tiêu thụ thấp, thị phần còn hạn chế.
“Việc kinh doanh, thu mua, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm chủ yếu lấy thu bù chi, HTX chưa có lợi nhuận. Thu nhập chênh lệch từ dịch vụ rau an toàn chưa đủ để chi tiền công cho bộ phận quản lý, chưa trích khấu hao nhà xưởng và mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất”, ông Phạm Long Thăng cho hay.
Kết quả kinh doanh rau an toàn VietGap tại HTXNN Phước Hiệp trong 2 năm 2014 và 2015 cho thấy, khoản chênh lệch giữa tổng doanh thu và tổng chi phí ở mức rất thấp. Cụ thể, năm 2014 doanh thu đạt hơn 976 triệu đồng, tổng chi phí gần 350 triệu đồng và chênh lệch lợi nhuận ở mức 27 triệu đồng; năm 2015 có nhỉnh hơn với khoản lợi nhuận hơn 40 triệu đồng.
Trước khó khăn này, UBND tỉnh đã có cuộc họp với các sở, ngành và đơn vị liên quan. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu chủ trì cuộc họp kết luận, Dự án Sinh kế nông thôn bền vững tỉnh Bình Định do Chính phủ New Zealand tài trợ được giao cho Sở NN&PTNT xây dựng hai HTXNN Phước Hiệp và Thuận Nghĩa (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) để tổ chức sản xuất, tiêu thụ rau an toàn cho xã viên, bước đầu còn gặp nhiều khó khăn. Để khuyến khích mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh, đồng thời triển khai thành công pha 2 của dự án nói trên, ngành Thuế xem xét, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX trong cách tính thuế và thu thuế kinh doanh rau an toàn.
Đối với các kiến nghị của HTXNN Phước Hiệp, Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Thuế huyện Tuy Phước rà soát, xem xét lại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp tiền thuế... với nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho HTX hoạt động ổn định và phát triển.
MAI HOÀNG