GIẢI ÐÁP PHÁP LUẬT
- HỎI: Cha mẹ tôi có một ngôi nhà đứng tên hai người, nhưng hiện cha mẹ tôi đều đã qua đời và không để lại di chúc. Các anh chị em tôi đồng thuận bán nhà để chia thừa kế. Tuy nhiên, một người chị họ gọi ba tôi là cậu ruột cũng đòi chia thừa kế cho chị ấy, với lý do, ngôi nhà của cha mẹ tôi có phần đóng góp, giúp đỡ của mẹ ruột của chị ấy. Vậy, việc đòi chia thừa kế của chị ấy là đúng hay sai? Ông Ðặng Ngọc (phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn)
- GIẢI ÐÁP: Theo quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13, ngày 24.11.2015, tại Ðiều 651 có quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Vấn đề ông hỏi, có 2 trường hợp xảy ra: Một là, xét về hàng thừa kế thì người chị gọi cha ông là cậu ruột đứng ở hàng thừa kế thứ ba, người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước. Hai là, nếu chị họ ông đưa ra được bằng chứng mẹ chị ấy có công sức, tiền bạc đóng góp vào ngôi nhà của cha mẹ ông, thì anh em ông phải hoàn trả lại (tính theo thời giá) cho chị ấy, số còn lại các anh em ông mới đem chia nhau.
B.B.Ð