Công tác bồi dưỡng thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh: Ghi nhận từ một Hội thảo
Những năm qua, số học sinh lớp 12 đạt giải tại cuộc thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh chủ yếu vẫn tập trung ở một nhóm trường. Qua Hội thảo bồi dưỡng học sinh THPT thi học sinh giỏi do Sở GD&ÐT tổ chức mới đây, nhiều kinh nghiệm hay, giải pháp thiết thực từ thực tế đã được chia sẻ.
Khâu đầu tiên của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi là tìm nguồn. Thầy Ngô Văn Khánh - Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Trân (huyện Hoài Nhơn) chia sẻ, nhờ mối quan hệ gắn bó với giáo viên các trường THCS; nắm thông tin kết quả các cuộc thi học sinh giỏi cấp THCS ở huyện, tỉnh; qua các hoạt động ngoại khóa Văn học ở các trường THCS..., thầy có được “chân dung” từng học sinh có tố chất.
Học sinh tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 THPT cấp tỉnh năm học 2017-2018.
“Ở cấp THPT, về nguyên tắc, học sinh phải đạt giải cấp trường mới được xét vào đội dự tuyển của trường để bồi dưỡng tham gia thi cấp tỉnh. Tuy nhiên, một số lần, chúng tôi đã chọn cả những em không đạt giải. Có điều này là do qua chấm thi, chúng tôi nhận thấy các em có tư duy tốt, sáng tạo. Thực tế cho thấy, trong số các em ấy, về sau đó cũng có nhiều em đạt giải cấp tỉnh”, thầy Ngô Văn Khánh cho biết.
Đến năm học 2017-2018, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã bước sang năm thứ 17, đã 16 lần tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, 2 lần thi học sinh giỏi quốc tế, đạt 2 giải Olympic quốc tế môn Hóa học và Toán học, 457 giải quốc gia. Tính bình quân, trường có hơn 28 giải học sinh giỏi/năm học. Chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý, bồi dưỡng học sinh thi học sinh giỏi, thầy Đỗ Em, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Mọi việc phải được tiến hành bài bản – từ khâu xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, chỉ đạo việc dạy bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên, tài liệu, giáo dục truyền thống thi đua học tập, đến cả việc phối hợp với cha mẹ học sinh.
Được ghi tên vào danh sách đội dự tuyển thi học sinh giỏi là một vinh dự, nhưng không phải học sinh nào cũng muốn đi thi. Lý do thì nhiều và thật ra cũng không tiện kể ra. “Hiện nay, ít học sinh mặn mà với việc thi học sinh giỏi. Nhiều em đã được chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia nhưng lại xin không tham gia. Vì vậy, không chỉ với học sinh mà giáo viên còn làm công tác tư tưởng, động viên, thuyết phục cả phụ huynh”, thầy Đỗ Em chia sẻ.
Tìm được nguồn học sinh tốt, các trường chọn lựa những giáo viên vừa giỏi chuyên môn, vừa tâm huyết với việc bồi dưỡng học sinh giỏi, và quan trọng là biết cách “truyền lửa” cho học sinh. Nhiều giáo viên áp dụng cách dạy theo chuyên đề, theo phương châm: Dạy chắc cơ bản rồi mới nâng cao, thông qua những bài luyện tập cụ thể để dạy phương pháp tư duy, kỹ năng làm từng dạng bài, dạy kiểu bài có tính quy luật trước, loại bài có tính đơn lẻ, đặc biệt sau.
Trường THPT Lý Tự Trọng (huyện Hoài Nhơn) là một trong những đơn vị xây dựng tài liệu để dạy học sinh giỏi đạt hiệu quả. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Thạch, công tác xây dựng tài liệu trải qua 3 bước, gồm: Xây dựng chương trình khung, sưu tầm các nguồn tài liệu, chọn giáo viên để thành lập các nhóm biên soạn tài liệu giảng dạy.
“Khi biên soạn tài liệu dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, phải đảm bảo 3 yêu cầu: phần kiến thức cơ bản, phần kiến thức nâng cao và phần rèn luyện các kỹ năng, phương pháp làm bài. Tài liệu biên soạn xong, trước khi đưa vào áp dụng, tổ - nhóm bộ môn phải tổ chức thẩm định”, thầy Thạch chia sẻ.
* * *
Tựu trung, Hội thảo khẳng định, để công tác bồi dưỡng học sinh THPT thi học sinh giỏi đạt kết quả tốt, phải thực hiện đồng bộ, liên tục và khoa học các khâu: Phát triển nguồn học sinh, xây dựng tài liệu, vai trò của giáo viên bộ môn trong công tác bồi dưỡng, quản lý công tác bồi dưỡng, kế hoạch - giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phát huy tốt vai trò công tác xã hội hóa trong việc tổ chức bồi dưỡng.
NGỌC TÚ