Ðừng lạm dụng “xã hội hóa”!
Mấy năm gần đây, khi triển khai những mục việc cần phải có thêm tiền, nhiều trường phổ thông đã viện đến nguồn “xã hội hóa”. Đó là nói cho dễ nghe, còn nói cho nhanh, là thông qua ban đại diện hội cha mẹ học sinh, vận động đóng góp để trường thực hiện những mục việc đó.
Trường phổ thông nói riêng, ngành GD&ĐT nói chung không phải là bộ phận, ngành duy nhất cậy đến nguồn lực này. Nhưng việc diễn ra ở các trường phổ thông là phổ biến, đều đặn và bị phản ứng nhiều nhất.
Chuyện cũng chẳng phải chỉ diễn ra ở tỉnh ta, mà gần như đã xuất hiện ở tất cả mọi tỉnh thành, nhưng đó không phải là lý do để ta chấp nhận việc này một điều hiển nhiên. Ở các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều người đã tham gia thảo luận, đầy bức xúc về những khoản thu, khoản đóng góp mà con em gần như buộc phải thực hiện dù được gọi là “tự nguyện”. Thậm chí, cũng vì thế mà, nhiều người giễu cợt tổ chức vừa kể trên là “hội phụ thu học sinh”.
Ai có con đi học đều biết, đều có thể kể tên một vài khoản tiền phải nộp cho những mục việc “xã hội hóa”. Nhưng đâu chỉ có những khoản nhỏ lẻ. Cách đây 3 năm, do lãnh đạo một trường THCS ở TP Quy Nhơn “cầm đèn chạy trước ô tô” trong thực hiện dự án nâng cấp phòng học (chủ yếu sơn lại phòng học, sửa cửa, tu chỉnh hệ thống điện chiếu sáng lớp học), mà hậu quả là phụ huynh học sinh phải gánh chịu. Bị như vậy là vì đơn vị thi công đã ứng tiền làm trước, nhưng sau đó thành phố lại không phê duyệt dự án vừa kể. Để có tiền thanh toán, toàn bộ giáo viên ở trường nọ, buộc phải vận động, thuyết phục phụ huynh hỗ trợ. Mọi việc rồi thì cũng êm xuôi, nhưng rất nhiều phụ huynh khi nghe đến những đề xuất, đề nghị, dự án, chương trình... hết thảy đều rất thận trọng.
Lãnh đạo các trường, phần đông đều giải thích rằng, đây là việc đã thảo luận, được ban đại diện hội cha mẹ học sinh nhà trường thống nhất, tự nguyện. Nhưng thực tế có - đúng - thật - sự - là - tự -nguyện - không, ai từng là, ai đang là phụ huynh đều biết rất rõ.
Vậy nên, hiểu “xã hội hóa” như thế nào cho đúng, để những thầy cô giáo tử tế không phải khó chịu, áy náy khi buộc phải trình bày với phụ huynh? Chắc chắn là có nhiều cách giải thích, nhưng cách đầu tiên là: xã - hội - hóa - không - có - nghĩa - chỉ - nói - đến - tiền. Nhà trường có thể huy động kiến thức, kỹ năng... của phụ huynh để thực hiện những buổi nói chuyện, hướng nghiệp thiết thực, bổ ích; có thể kết nối với các cựu học sinh thành đạt để truyền cảm hứng cho đàn em; có thể hỗ trợ đàn em khi trường cần tổ chức những buổi tham quan một xưởng sản xuất, một hoạt động nào đó… Có rất nhiều cách trả lời, và cách trả lời đúng nhất là nhà trường suy nghĩ, sáng tạo tìm ra cách “sử dụng” phụ huynh phù hợp, hiệu quả nhất. Đừng chỉ chăm chắm sử dụng khái niệm “xã hội hóa” khi cần hỗ trợ chi phí.
BÁ PHÙNG