Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản: Định hướng cho lâu dài
Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm tỉnh Bình Ðịnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, do Sở TT&TT xây dựng, đã được UBND tỉnh phê duyệt, sẽ là cơ sở cho hoạt động, hướng phát triển các hoạt động này trong giai đoạn tới. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Mừng, Phó Giám đốc Sở TT&TT, một số vấn đề liên quan.
* Xin ông cho biết cơ sở, sự cần thiết của Quy hoạch?
- Quy hoạch ra đời nhằm định hướng, đầu tư, tạo điều kiện để các hoạt động xuất bản, in, phát hành trên địa bàn tỉnh phát triển hiệu quả hơn.
Thời gian qua, hoạt động xuất bản bám sát và phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị (xuất bản phẩm không kinh doanh) và từng bước thích ứng cơ chế thị trường. Hoạt động in tăng về số lượng cơ sở, tổng công suất cơ bản đáp ứng nhu cầu trong tỉnh và bước đầu tiếp cận thị trường ngoài tỉnh. 6 tháng đầu năm 2017, tổng số sách đã phát hành gần 4,2 triệu bản, tăng 27,27% so với năm 2016; công tác xã hội hóa phát hành được thực hiện khá tốt…
Tuy nhiên, mọi việc không phải là đã tốt hết. Cơ sở in phân bổ không đồng đều, chủ yếu tập trung ở TP Quy Nhơn và nằm trong khu dân cư, cần quy hoạch phân bổ và di dời để không ảnh hưởng đến môi trường... Số lượng cơ sở phát hành ở ta vốn khá ít, nay lại có dấu hiệu ngày càng thu hẹp. Hiện Bình Định chưa có nhà xuất bản, trong khi nhu cầu xuất bản tại Bình Định là tương đối lớn.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị của hoạt động xuất bản, in, phát hành còn thiếu và lạc hậu; một bộ phận cán bộ quản lý và chuyên môn chưa qua đào tạo có hệ thống, làm việc theo bồi dưỡng chuyên môn và kinh nghiệm tại cơ sở nên còn hạn chế về trình độ…
Quy hoạch hướng đến mục tiêu, nội dung thực hiện, giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực, thúc đẩy các hoạt động phát triển hiệu quả, bền vững hơn.
* Với từng lĩnh vực, Quy hoạch tập trung vào những nội dung cụ thể đáng chú ý nào, thưa ông?
- Quy hoạch hướng đến mục tiêu chính là phát triển ngành xuất bản, in, phát hành tỉnh Bình Định phục vụ hiệu quả yêu cầu giáo dục tư tưởng chính trị và tuyên truyền, đồng thời phát triển phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo kinh doanh có lãi.
Một số mục tiêu cụ thể của Quy hoạch: Xây dựng mạng lưới phát hành rộng khắp từ trung tâm thành phố đến các huyện, thị xã, thị trấn, đảm bảo đến năm 2020 số xã, phường, thị trấn có cơ sở phát hành đạt tỉ lệ 70% và đến năm 2030 là 100%; xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp đưa sách về các xã, đặc biệt là miền núi, vùng khó khăn; xây dựng đội ngũ làm công tác xuất bản, in, phát hành có chuyên môn giỏi, bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp…
Theo đó, trên lĩnh vực xuất bản, ưu tiên xuất bản các ấn phẩm: sách, catalogues… tuyên truyền các nghị quyết chiến lược của Tỉnh ủy trên nhiều lĩnh vực. Chú trọng mục tiêu xuất bản sách Bình Định với số lượng khoảng 30 đầu sách/năm. Sau năm 2025, xem xét thành lập Nhà xuất bản Bình Định nếu đảm bảo với điều kiện thực tế.
Với lĩnh vực in, quan trọng là đầu tư công nghệ, khuyến khích đầu tư nâng cấp, ứng dụng những công nghệ, thiết bị tiên tiến, tự động hóa. Đặc biệt, di dời toàn bộ các cơ sở in trong nội thành vào khu công nghiệp tập trung trước năm 2025; nghiên cứu quy hoạch hình thành cụm công nghiệp dịch vụ in để thuận tiện cho việc hợp tác sản xuất, kinh doanh.
Mục tiêu của Quy hoạch đối với lĩnh vực phát hành là tiếp tục duy trì và phát triển số lượng cơ sở phát hành.
- Trong ảnh: Khách hàng chọn mua sách tại cửa hàng Fahasa Quy Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU
Ở lĩnh vực phát hành, tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các nhà sách tự chọn hoặc siêu thị sách tại TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) và các thị trấn tập trung đông dân cư, chuyên kinh doanh xuất bản phẩm hoặc đặt trong hệ thống siêu thị bán lẻ.
* Giải pháp chính để thực hiện được các mục tiêu đề ra là gì, thưa ông?
- Chúng tôi sẽ tập trung xây dựng, ban hành mới và bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để quản lý hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi để ngành xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường củng cố, hoàn thiện về biên chế, tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp của các cơ quan chỉ đạo và quản lý nhà nước trên các lĩnh vực này, đảm bảo số lượng và chất lượng theo yêu cầu của từng giai đoạn phát triển. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản, in, phát hành…
* Xin cảm ơn ông.
SAO LY (Thực hiện)