Ai đang là “chủ nợ” nước ngoài lớn nhất của Việt Nam?
Báo cáo số 459/BC-CP của Chính phủ về tình hình nợ công năm 2016, ước thực hiện năm 2017 và kế hoạch năm 2018 vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ cho các phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội – ngân sách. Nội dung này sẽ kéo dài đến hết buổi sáng thứ 5, ngày 2.11.
Cầu Nhật Tân, một trong những dự án xây dựng bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản
Theo Báo cáo số 459/BC-CP, thực hiện nhiệm vụ huy động vốn theo Nghị quyết của Quốc hội về dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2016, Chính phủ tiếp tục vay trong nước, nước ngoài với tổng trị giá 436.510 tỷ đồng.
Trong đó, tổng trị giá phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) là 281.750 tỷ đồng (đạt 100,3% kế hoạch phát hành TPCP năm 2016), trong đó tập trung phát hành loại kỳ hạn từ 5 năm trở lên (chiếm 91,1% tổng khối lượng phát hành năm 2016).
Về vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài: năm 2016, các cơ quan có liên quan đã đàm phán, ký kết 36 Hiệp định vay vốn ODA, ưu đãi nước ngoài từ các nhà tài trợ với tổng trị giá 5.222 triệu USD (năm 2015 ký kết 47 Hiệp định với tổng giá trị vay là 4.037 triệu USD).
Trong đó tập trung vào 3 nhà tài trợ chủ yếu gồm: Ngân hàng Thế giới (WB) với 11 Hiệp định trị giá 1.991 triệu USD, chiếm 38,1%; Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với 2 Hiệp định trị giá 170 triệu USD, chiếm 3,3%; và Chính phủ Nhật Bản (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản – JICA) với 7 Hiệp định trị giá 2.325 triệu USD, chiếm 44,5% tổng giá trị Hiệp định ký kết trong năm.
Nhìn chung, nguồn vốn ODA, vay ưu đãi vẫn tập trung chủ yếu cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, thủy lợi, cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn, phát triển đô thị (chiếm tỷ trọng 94,7%). Các khoản vay cho lĩnh vực y tế, giáo dục và xã hội khác chiếm tỷ trọng thấp (5,3%), tập trung vào việc lắp đặt các trang thiết bị y tế cho các bệnh viện và hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nâng cao năng lực quản lý.
Tổng số rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ cả năm 2016 đạt 83.986 tỷ đồng (khoảng 3.829 triệu USD) bằng 84,8% so với kế hoạch.
Nguyên nhân giải ngân đạt thấp chủ yếu do công tác đấu thầu bị kéo dài; thiếu vốn đối ứng; công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư gặp nhiều khó khăn và kéo dài; công tác dự báo, kế hoạch rà soát đối với vốn nước ngoài còn bị động chưa sát với tiến độ giải ngân, việc phân bổ và giao kế hoạch vốn còn chậm, một số dự án phải điều chỉnh kế hoạch vốn; năng lực của một số Ban quản lý dự án và nhà thầu còn hạn chế.
Theo ANH PHƯƠNG (SGGPO)