Cải cách thủ tục hành chính về đất đai: Nâng cao năng lực quản lý, giảm thiểu phiền hà
Thời gian qua, mặc dù có nhiều nỗ lực song công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở… trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, rất cần sự đổi mới, cải cách thủ tục hành chính của ngành TN&MT. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Ðặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN&MT, về vấn đề này.
* Xin ông cho biết về tình hình hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) tỉnh thời gian qua, đặc biệt là công tác ĐKĐĐ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở?
- Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Bình Định được thành lập trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.1.2016. Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh gồm Văn phòng trung tâm và 11 chi nhánh các huyện, thị xã và thành phố; có nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi là GCN) trên địa bàn tỉnh; quản lý hồ sơ địa chính, trích lục, trích đo, cấp thửa; quản lý bản đồ; cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai, quản lý cơ sở dữ liệu địa chính...
Từ ngày 1.1.2016 đến 30.9.2017, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh đã tiếp nhận 203.254 hồ sơ về đất đai, trong đó có 4.044 hồ sơ của tổ chức; 199.210 hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân. Kết quả, Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh đã giải quyết 200.338 hồ sơ, gồm: 3.954 hồ sơ của tổ chức (trong đó, cấp GCN lần đầu 1.004 hồ sơ; đăng ký biến động và cấp đổi, cấp lại 1.244 hồ sơ; giao dịch bảo đảm 1.222 hồ sơ; lập hợp đồng thuê đất: 484 hồ sơ); 196.384 hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân (trong đó, cấp GCN lần đầu 12.975 hồ sơ; đăng ký biến động và cấp đổi, cấp lại 59.988 hồ sơ; giao dịch bảo đảm 68.186 hồ sơ và gia hạn sử dụng đất 55.235 hồ sơ)…
Cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Quy Nhơn tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho các hộ dân trên địa bàn. Ảnh: VĂN LƯU
* Theo ý kiến chung, mặc dù có nhiều nỗ lực song công tác ĐKĐĐ, cấp GCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
- Mặc dù đã có nhiều nỗ lực song nghiêm túc nhìn nhận có thể thấy việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai ở một số địa phương, đơn vị vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Vừa qua Thanh tra tỉnh đã có kết luận thanh tra việc thực hiện TTHC về đất đai 2 năm 2015 - 2016 tại Sở TN&MT và 5 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Theo đó, tỉ lệ hồ sơ đất đai tồn đọng, chậm trễ vẫn còn khá nhiều: tại Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh chậm trễ 982 hồ sơ; Văn phòng Quy Nhơn 1.386 hồ sơ; Văn phòng An Nhơn 557 hồ sơ; Văn phòng Phù Cát 550 hồ sơ; Văn phòng Tây Sơn 1.100 hồ sơ...
Tuy nhiên, việc chậm trễ có nhiều nguyên nhân và liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân ở nhiều ngành, lĩnh vực. Chẳng hạn, kết quả thanh tra việc thực hiện TTHC về đất đai tại Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh, cho thấy, tỉ lệ chậm trễ do cán bộ, nhân viên Văn phòng chỉ chiếm 12,4%; trong khi tỉ lệ do cơ quan thuế chậm xử lý là 32%; tỉ lệ do cá nhân kê khai thiếu thông tin, chậm bổ sung hồ sơ gần 60%.
* Vậy Sở TN&MT sẽ có giải pháp gì để cải cách TTHC về đất đai, giảm thiểu phiền hà đối với người dân, thưa ông?
- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT đã kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan; đề ra một số biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế. Sở TN&MT yêu cầu các đơn vị, phòng, ban tăng cường công tác cải cách TTHC, thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, giảm thiểu phiền hà đối với người dân.
Sở TN&MT cũng vừa tiến hành xây dựng Dự thảo “Quy định cấp GCN cho tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh”, gồm một số nội dung quan trọng, như: nguyên tắc cấp GCN; thẩm quyền cấp GCN; cơ quan thực hiện việc xác nhận thay đổi vào GCN đã cấp khi đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; trách nhiệm lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính; thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; trình tự, thủ tục thành phần hồ sơ ĐKĐĐ, tài sản gắn liền với đất; cấp GCN của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân…
Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân: Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu là 25 ngày; thủ tục đăng ký, cấp GCN lần đầu là 30 ngày; thủ tục cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức trúng đấu giá quyền sử dụng đất là 5 ngày.
Đối với tổ chức: Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai lần đầu với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý là 15 ngày; thủ tục đăng ký, cấp GCN đối với cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất như giao đất không thu tiền sử dụng đất là 45 ngày; thủ tục đăng ký, cấp GCN cho tổ chức được giao đất, cho thuê đất không thông qua trúng đấu giá quyền sử dụng đất là 5 ngày.
Ngoài ra, quy định cũng xác định cụ thể trách nhiệm, thời gian xử lý, giải quyết TTHC về đất đai của từng cơ quan, đơn vị (UBND cấp xã; cơ quan thuế; cơ quan quản lý về nhà ở, công trình xây dựng, nông nghiệp cấp huyện; Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh và các chi nhánh huyện, thị xã, thành phố).
* Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)