Chuyện của trái tim
Anh bị liệt hai chân bẩm sinh. Chị mất đi một phần chân trái sau tai nạn giao thông. Vượt qua những định kiến, họ đến với nhau, xây dựng mái ấm của riêng mình. Họ góp thêm cho đời một chuyện tình đẹp.
Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Trần Khiêm (51 tuổi) và chị Nguyễn Thị Điệu (41 tuổi) ở thôn Tân Quang, xã Canh Hiển, huyện Vân Canh. Vừa qua, gia đình anh được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam chọn tham dự Chương trình Hạnh phúc người khuyết tật “Điểm tựa tình yêu”.
Gia đình anh Khiêm rạng rỡ giữa những yêu thương dành cho nhau.
Bắt đầu bằng niềm tin
Anh Khiêm và chị Điệu gặp nhau lần đầu tiên vào năm 2007. Ngày đó, anh là thầy giáo của lớp tin học dành cho người khuyết tật trong tỉnh và chị là cô học trò đến từ huyện Phù Cát. Anh Khiêm để ý đến chị Điệu vì sự chăm chỉ. Chị Điệu cũng hay trò chuyện với anh về mọi thứ, đặc biệt là những lúc cần tìm một lời khuyên. Tình yêu bình dị nảy nở trong họ tự lúc nào.
“Ba mẹ con dù khuyết tật nhưng vẫn không để con thua kém các bạn. Con tự hào vì ba con còn học hết đại học, có thể chỉ dạy con bất kỳ chỗ nào.”
Họ bàn với nhau về hôn nhân, khi ấy anh Khiêm đã 44, còn chị Điệu cũng đã ngoài 30 tuổi. Điều gần như duy nhất ngăn cản họ đến với nhau là nỗi lo lắng, đắn đo. Họ lo mình sẽ là gánh nặng cho người còn lại, lo cho thế hệ tương lai của mình. Hai người họ, bình thường tự chăm lo cho chính mình đã khó, giờ ai làm chỗ dựa cho ai đây?
Anh Khiêm bảo: “Thời điểm đó, chúng tôi thuyết phục nhau bằng hai chữ niềm tin. Tôi tin chính mình, như đã từng tin mình sẽ đặt chân được vào Đại học Kỹ thuật (nay là Đại học Bách khoa Đà Nẵng) sau 6 năm kiên trì gửi hồ sơ dự thi, chờ được chấp nhận và trúng tuyển. Khi tự tin, chúng tôi nhìn thấy lối đi trước mắt mình. Chúng tôi kết hôn vào 1 năm sau đó”.
Lối đi ngay dưới chân mình
Cuộc sống sau hôn nhân của họ dù gặp không ít khó khăn, vẫn đầy hy vọng, lạc quan. Họ mở một cơ sở sửa chữa máy vi tính, thiết bị văn phòng, đánh máy, in, photo. Anh Khiêm vừa dạy kèm văn hóa, dạy tin học văn phòng, vừa làm thợ. Chị Điệu cáng đáng việc nhà, trồng trọt, chăn nuôi; phụ chồng việc kinh doanh.
Bằng sự nhanh nhẹn, nắm bắt thông tin, họ mạnh dạn tìm đến những nghề mới như đan lát sợi nhựa giả mây, làm chổi đót... Không chỉ giúp mình, đôi vợ chồng còn giúp cho nhiều người khác. Họ mở các lớp nghề tin học miễn phí cho người khuyết tật, giúp hình thành các nhóm tự lực của người khuyết tật như sửa chữa máy vi tính, gia công chổi đót, mộc dân dụng, đan bàn ghế nhựa giả mây... Chẳng những vậy, anh Khiêm còn nhận trách nhiệm “vác tù và” ở Chi hội khuyết tật Niềm tin (thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh) do anh làm Chi hội trưởng. Để anh yên tâm giúp đỡ mọi người, chị Điệu âm thầm, bền bỉ ở vị trí hậu phương.
Hạnh phúc đến với họ khi hai đứa con lần lượt ra đời trong hình hài lành lặn và khôn lớn khỏe mạnh, học giỏi. Con trai Nguyễn Trần Khương (8 tuổi) 2 năm liền đạt giải Nhất, Nhì cấp huyện, tỉnh cuộc thi Giải toán qua Internet. Dù còn nhỏ tuổi nhưng đứa con trai này nhiều lúc làm vợ chồng anh chị bất ngờ khi nhắc về ba mẹ. Khương bộc bạch: “Ba mẹ con dù khuyết tật nhưng vẫn không để con thua kém các bạn. Con tự hào vì ba con còn học hết đại học, có thể chỉ dạy con bất kỳ chỗ nào”.
Nghe con nhỏ bày tỏ, vợ chồng anh Khiêm không khỏi xúc động, tự hào. Những năm tháng khó khăn của lúc trước giờ lại thấy hết sức bình thường. Như cái ngày anh nhận thấy sự bất lực của mình khi không thể dìu vợ đi lại trước giờ sinh theo lời của bác sĩ mà chỉ có thể dùng ánh mắt để nhắn gửi. Rồi những tháng ngày con còn nhỏ, những lúc chúng đau ốm... Giờ, chúng trở thành đôi chân, điểm tựa của anh chị. Cái bàn ăn có gắn bánh xe do anh sáng tạo nên giờ đã dẹp sang một bên vì Khương đã có thể giúp mẹ bưng mâm cơm. Hay Khương và Khuê giúp anh lấy các thiết bị sửa chữa máy tính.
Câu hỏi ai sẽ dựa vào ai trong cuộc hôn nhân này đến bây giờ đã tìm được câu trả lời. Đó là tất cả cùng dựa vào nhau, bằng trái tim, bằng niềm tin.
NGUYỄN MUỘI