BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC DI TÍCH LÒ GỐM CỔ CHĂMPA Ở BÌNH ĐỊNH:
Nên sớm phát huy giá trị di tích vào đời sống
Hội thảo khoa học quốc tế “Gốm cổ Bình Ðịnh - Vương quốc Vijaya và mối quan hệ với kinh đô Thăng Long - Ðại Việt (thế kỷ XI - XV)”, đã diễn ra tại TP Quy Nhơn (10.2017). Từ Hội thảo, vấn đề làm gì để bảo tồn và phát huy các di tích lò gốm cổ Chămpa ở Bình Ðịnh lại được xới lên.
Các nhà khoa học đang tiến hành khai quật khảo cổ học di chỉ lò gốm Gò Cây Me (xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn). Ảnh: HOÀI THU
Di tích nhiều nhưng nghiên cứu chưa bao nhiêu
Từ năm 1991 đến nay, Bình Định thực hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khai quật khảo cổ 4 lò nung gốm Chăm với tổng cộng 8 đợt khai quật, trong đó, di tích lò gốm Gò Sành (5 đợt khai quật), Gò Hời (1 đợt) và lò Trường Cửu (1 đợt), Gò Cây Me (đang tiến hành). Trong quá trình này, tỉnh tiến hành nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VH-TT&DL xếp hạng đối với di tích Lò gốm cổ Gò Sành (TX An Nhơn), xếp hạng Khu lò gốm cổ Gò Hời (huyện Tây Sơn) là di tích cấp tỉnh. Các di chỉ lò gốm cổ còn lại được Sở VH-TT kiểm kê, bảo vệ.
“Đối với các di tích lò gốm Chăm đã được khai quật khảo cổ, đây là một loại hình di tích đặc biệt, vì nó nằm trong lòng đất qua nhiều thế kỷ nên đã mất đi thì không thể nào làm lại”
Bên cạnh kết quả đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy các di tích lò gốm cổ Chămpa ở Bình Định, vẫn còn một số hạn chế, như: Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của di tích đã được nâng lên nhưng chưa sâu sắc. Lúng túng trong việc xử lý một cách hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn các di tích gốm Chăm và phát triển kinh tế địa phương. Do hạn chế về mặt kinh phí nên nhiều di tích lò gốm cổ Chămpa chưa được khai quật khảo cổ và nghiên cứu. Công tác quảng bá, tuyên truyền về các di tích lò gốm cổ Chămpa cũng chưa được chú trọng, thông tin về di tích đến nhân dân còn hạn chế.
Cùng với việc nhiều di tích lò gốm cổ Chămpa chưa có điều kiện tiến hành khai quật khảo cổ, còn là vấn đề, do thiếu kinh phí nên các hố khai quật sau khi nghiên cứu sơ bộ lại được phủ cát và san lấp trả hiện trạng ban đầu. Dù vậy, đến nay, vẫn còn thiếu phương án bảo vệ để gìn giữ và phát huy tốt nhất giá trị di tích.
Làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị di tích?
Là những người hoạt động chuyên ngành, chúng tôi xin có mấy đề xuất sau:
Sớm xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích Gốm Chămpa tại Bình Định. Tiếp tục kêu gọi, tạo điều kiện và phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành khai quật khảo cổ các Lò gốm cổ Chămpa còn lại.Tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền giá trị lịch sử, văn hóa của gốm cổ Chămpa từ đó nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ các di tích cho cán bộ, nhân dân.
Bên cạnh hoạt động trưng bày hiện vật gốm Chăm tại các Bảo tàng, nên phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức truyền thông về giá trị lịch sử văn hóa nói chung, gốm Chăm Bình Định nói riêng. Ví dụ, nhà trường có thể mở các lớp ngoại khóa, cho các em đến trực tiếp các di tích lò gốm cổ Chămpa để tham quan, học tập và thuyết minh cho các em nghe về lịch sử, ý nghĩa của di tích, cũng như ý thức của các em trong việc bảo vệ gìn giữ các di tích.
Do chưa được khai quật khảo cổ và nghiên cứu đầy đủ nên các di tích chưa được xếp hạng. Dù đã giao trách nhiệm bảo vệ cho chính quyền huyện, xã nhưng bởi chưa xác định được ranh giới bảo vệ nên trong công tác quản lý còn nhiều lúng túng.
Đối với các di tích lò gốm Chăm đã được khai quật khảo cổ, đây là một loại hình di tích đặc biệt, vì nó nằm trong lòng đất qua nhiều thế kỷ nên đã mất đi thì không thể nào làm lại. Vậy nên có quy hoạch cụ thể, làm mái vòm bảo quản và trưng bày các hiện vật thu thập được. Biến đó là bảo tàng sống, nơi trưng bày giới thiệu gốm Chăm để người dân, học sinh có thể đến tham quan, nghiên cứu góp phần quảng bá văn hóa Chăm đến khách tham quan và nghiên cứu.
HỮU THỌ - VĂN ĐỆ