Nông dân Hoài Nhơn thi đua làm theo Bác
Những năm qua, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được Hội Nông dân các cấp ở huyện Hoài Nhơn triển khai sâu rộng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, hội viên.
Biểu dương điển hình nông dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tháng 10.2017.
Các cấp Hội đã gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác gắn với thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng” đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Qua hơn 2 năm thực hiện, các cấp Hội đã xây dựng được 57 mô hình sản xuất kinh doanh như chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây trồng cạn; tự quản kênh mương nội đồng; ươm cây giống, sản xuất lúa giống... Trong đó, phải kể đến mô hình xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng kỹ thuật tiên tiến được đại bộ phận gia đình nông dân đồng tình ủng hộ, bình quân mỗi vụ có trên 11.000 hộ gia đình nông dân tham gia sản xuất trên 1.300 ha.
UBND huyện Hoài Nhơn và Hội Nông dân huyện vừa tổ chức biểu dương, khen thưởng 20 tập thể và 51 cán bộ, hội viên, nông dân tiêu biểu trong phong trào Nông dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2015-2017.
Bà Trương Thị Thúy Ức, Phó Trưởng phòng kinh tế huyện Hoài Nhơn, nhận xét: “Nông dân hưởng ứng các mô hình thể hiện rõ ở việc đồng thuận sử dụng các giống lúa, tuân thủ lịch thời vụ, quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên từng cánh đồng. Nhờ đó, năng suất ở các cánh đồng này đã tăng từ 2-5 tạ/ha so với ruộng đại trà”.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân huyện Hoài Nhơn còn tổ chức 25 lớp dạy nghề cho 940 học viên, gần 2.800 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật với gần 167 ngàn lượt nông dân tham dự. Qua đó, nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả cao.
Toàn huyện đã có trên 10.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; trong đó cấp Trung ương có 7 hộ, cấp tỉnh 132 hộ, cấp huyện 860 hộ. Nhiều nông dân có những sáng kiến, giải pháp kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: ông Huỳnh Nguyễn Ngọc Thanh ở thôn Cửu Lợi Tây, xã Tam Quan Nam với sáng chế máy ép bún tự động bằng mắt quang học; ông Trần Hòa Anh, xã Hoài Tân sáng chế máy cắt mì lát cải tiến; ông Nguyễn Ngôn, ở xã Hoài Xuân sáng chế máy tách hạt bắp cải tiến; ông Phạm Quốc Bảo, xã Hoài Xuân có giải pháp “Hệ thống rây, trộn bột cưa và nguyên phụ liệu sản xuất phôi nấm bằng máy”...
Ngoài ra, nông dân huyện Hoài Nhơn đã nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, tích cực giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Từ năm 2015 đến nay, hội viên, nông dân trong huyện đã đóng góp hơn 2,4 tỉ đồng, gần 3.500 ngày công lao động, giúp cho hơn 974 lượt hội viên, nông dân thoát nghèo. Ông Bùi Thanh Ninh ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, cho biết: “Hàng năm, gia đình tui luôn dành ra một khoản tiết kiệm khoảng 100 triệu đồng mua quà tặng, cho một số ngư dân khó khăn vay mượn để phát triển kinh tế gia đình. Riêng năm 2017, gia đình đã hỗ trợ 20 triệu đồng cho 2 hộ nghèo ở xã Tam Quan Bắc và Hoài Thanh xây dựng nhà ở”.
ÁNH NGUYỆT