Hãy cùng lên tiếng!
Ngày 23.8, Viện KSND huyện Tuy Phước đã ra quyết định phê chuẩn khởi tố bị can Nguyễn Văn Phúc (SN 1978, ở thôn Tân Hội, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) về tội “cố ý gây thương tích”. Bị hại cũng đồng thời là vợ của Phúc, tên Lê Thị T (SN 1978). Nguyên nhân là do Phúc đòi quan hệ tình dục với vợ nhưng bị từ chối vì chị T cảm thấy không được khỏe. Bực tức Phúc đánh chị T, gây chấn thương sọ não.
Cũng trong thời gian này, Viện KSND huyện Phù Cát cũng đã hoàn tất hồ sơ để truy tố bị can Trần Hữu Phước (SN 1976, thôn Tân Lệ, xã Cát Tân, huyện Phù Cát) về tội cố ý gây thương tích. Nạn nhân là vợ Phước - chị Lương Thị L (SN 1980). Xuất phát từ việc nghi ngờ chị L ngoại tình nên Phước thường có những lời lẽ xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của vợ. Và trong một lần cãi vã, Phước ném ghế vào chị L, gây thương tật 15%.
Tuy nhiên tất cả những cố gắng đó của các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn không làm cho người ta bớt quan ngại về tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) đang hiện diện ở khắp mọi nơi. Theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, trung bình một năm trên cả nước có tới hàng chục ngàn vụ ly hôn mà nguyên nhân là do BLGĐ. Còn theo báo cáo của Bộ Công an, trên cả nước cứ khoảng 2-3 ngày lại có một người bị giết có liên quan đến BLGĐ.
BLGĐ đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, nó không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho bản thân phụ nữ mà còn với cả trẻ em, gia đình, toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng các quyền con người. Với tuổi thơ hậu quả cũng hết sức nguy hại vì nó làm cho các em mất niềm tin vào các thành viên gia đình, từ đó chán học, sa ngã vào các tệ nạn xã hội hoặc có hành vi phạm pháp.
Ra đời với mục tiêu chặn đứng nạn BLGĐ ngày càng gia tăng, những điều luật của Luật Phòng, chống BLGĐ (có hiệu lực từ 1-7-2008) đã đề cập đến từng khía cạnh của BLGĐ. Các hành vi BLGĐ đã được điểm mặt, gọi tên khá đầy đủ như: Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi, gây áp lực về tâm lý, cưỡng ép quan hệ tình dục...
Theo quy định của Luật, những “tác giả” của hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Nếu người có hành vi bạo lực là cán bộ, công chức, viên chức, ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính sẽ bị thông báo về cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác để giáo dục.
Nhưng trước khi nghĩ đến những giải pháp để ngăn chặn nó, người ta có thể nhận thấy một điều đáng hổ thẹn là nạn bạo hành vẫn đang được chấp nhận một cách dễ dàng trong xã hội. Không ít nạn nhân của bạo hành im lặng chịu đựng vì không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Còn nhiều người hàng xóm, kể cả cán bộ chính quyền địa phương vẫn coi đó là "chuyện nhà người khác", vô cảm để cái ác lộng hành. Họ đã vô tình trở thành những “đồng phạm” của những kẻ bạo hành. Khi mọi người đã ngầm chấp nhận nó ở một mức độ nào đó, thì hiển nhiên, bạo hành gia đình tồn tại như một yếu tố tất phải có.
Nếu mọi người cùng đồng tình lên tiếng thì vấn nạn bạo hành gia đình khó mà ngang nhiên tồn tại.
Ngọc Minh