Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Đăng Tuấn: “Không nhầm lẫn condotel với chung cư”
Hiện nay, trên địa bàn TP Quy Nhơn có một số dự án bất động sản quy mô lớn, với mục đích chung là xây dựng khách sạn, căn hộ khách sạn (condotel) nghỉ dưỡng, thu hút nhiều khách hàng. Tuy nhiên, không ít người mua nhầm lẫn condotel là nhà ở chung cư. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Lê Ðăng Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, về vấn đề này.
* Ông có thể cho biết tình hình đầu tư xây dựng các dự án bất động sản nghỉ dưỡng theo mô hình condotel hiện nay trên địa bàn TP Quy Nhơn?
- Từ năm 2015 đến nay, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng theo mô hình tổ hợp khách sạn (KS) và căn hộ khách sạn (CHKS) phát triển mạnh tại TP Quy Nhơn, góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng du lịch đáng kể của tỉnh (bình quân 20%/năm trong giai đoạn 2015-2017), đóng góp vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn TP Quy Nhơn có 6 dự án (DA) loại hình này đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, với quy mô tổng cộng trên 1.000 phòng KS và hơn 2.300 CHKS, trên tổng diện tích xây dựng hơn 40.000 m2. Đó là các DA: Trung tâm thương mại dịch vụ KS và căn hộ cao cấp (Hoa Sen Tower) tại số 01 Ngô Mây, do Công ty CP Hoa Sen Quy Nhơn làm chủ đầu tư; TMS Luxury Hotel & Residences Quy Nhơn tại 28 Nguyễn Huệ, của Công ty CP Tập đoàn TMS; Khu phức hợp BMC Quy Nhơn của Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC; Khu phức hợp Kim Cúc của Công ty TNHH Đầu tư du lịch và dịch vụ Kim Cúc; FLC Sea Tower Quy Nhơn của Công ty CP Xây dựng FLC Faros đầu tư xây dựng lần lượt tại các lô đất DV 3, DV 2, DV 1 và DV 4 thuộc Khu Đô thị - Thương mại - Dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ. Riêng Công ty FLC Faros còn có DA FLC Quy Nhơn Beach & Golf Resort ở xã Nhơn Lý.
Tất cả các DA này đều xây dựng ở những khu đất “vàng” ven biển ưu tiên phát triển du lịch của tỉnh, đúng theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, định hướng đến năm 2050 và Quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 không gian du lịch vịnh Quy Nhơn.
DA FLC Sea Tower đang được xây dựng.
Trong số các DA nói trên, mới chỉ có DA của Công ty FLC Faros đã xây dựng hoàn thiện hoặc xây dựng một phần và được Sở Xây dựng kiểm tra xác nhận đủ điều kiện chào bán chính thức trên thị trường, dựa trên cơ sở vận dụng quy định hiện hành thích hợp về bán nhà ở hình thành trong tương lai của Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2014.
* Có thông tin CHKS hiện nay được xây dựng theo quy chuẩn tương tự xây dựng nhà chung cư. Vì vậy, hộ gia đình có thể ở CHKS lâu dài giống như chung cư. Thực hư vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- CHKS là mô hình kết hợp giữa căn hộ với KS. Hiện Việt Nam chưa có hành lang pháp lý nói chung và quy chuẩn xây dựng nói riêng đối với loại hình BĐS mới này. Các chủ đầu tư thiết kế xây dựng căn hộ theo tiêu chuẩn KS, tức nghiêng về yếu tố KS nhiều hơn yếu tố nhà ở. Đa số căn hộ KS có diện tích nhỏ, khoảng 40m2 với một phòng ngủ. Tuy có bếp, có chỗ để bàn ghế tiếp khách nhưng cũng nhỏ và chỉ ở mức cơ bản tối thiểu.
Nói cách khác, công năng của CHKS chỉ phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng trong một thời gian ngắn nhất định. Hộ gia đình 4 người gồm cha mẹ và con cái khó có thể sinh sống lâu dài ở CHKS như căn hộ chung cư, vì thiếu nhiều tiện nghi sinh hoạt như chỗ giặt giũ, phơi đồ, chỗ học hành cho trẻ… Ngoài ra, các loại phí dịch vụ cũng rất cao vì CHKS được quản lý theo tiêu chuẩn KS cao cấp. Thực tế, đã có trường hợp ở Đà Nẵng sử dụng CHKS để ở lâu dài nhưng chỉ được một thời gian ngắn là trả lại nhà vì không đóng nổi tiền phí dịch vụ tới mấy chục triệu đồng mỗi tháng.
Theo nội dung phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh đối với các DA nói trên, CHKS chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng, không hình thành đơn vị ở (không phải là nhà ở chung cư). Người mua CHKS được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thời hạn lâu dài nhưng không được đăng ký hộ khẩu thường trú. Nghĩa là, xét về quyền sở hữu, CHKS giống như căn hộ chung cư, nhưng xét về mặt quản lý nhà nước thì giống KS. Người mua cần hiểu rõ quy định này trước khi mua để tránh phát sinh tranh chấp, khiếu kiện khi giao dịch mua bán CHKS.
Các cơ quan chức năng cũng thẩm định DA CHKS như thẩm định KS và thường không yêu cầu chủ đầu tư phải có cơ sở hạ tầng xã hội kèm theo như trường học, diện tích bãi đậu xe, nhà sinh hoạt cộng đồng… Quan điểm của Sở Xây dựng là không quản lý nhà nước đối với CHKS giống như chung cư để tránh gây vỡ quy hoạch, tạo áp lực lên cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội của khu dân cư có DA CHKS vì tập trung quá đông dân.
* Ông vừa đề cập đến tình trạng thiếu hành lang pháp lý đối với CHKS. Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm ban hành quy phạm pháp luật điều chỉnh công tác quản lý nhà nước đối với loại hình BĐS này. Tại Bình Định, vấn đề này được thực hiện đến đâu?
- Trong khi chờ Trung ương xây dựng hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho DN kinh doanh đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người mua, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng lập hướng dẫn khung về quản lý sử dụng biệt thự nghỉ dưỡng và CHKS. Sở Xây dựng đang phối hợp với Sở Du lịch, ngành Công an và chính quyền các địa phương có DA CHKS để sớm ban hành văn bản này.
* Xin cảm ơn ông!
Condotel là từ viết tắt tiếng Anh của “condo” (chung cư/căn hộ) và “hotel” (KS). Trên thế giới, loại hình BÐS này xuất hiện đầu tiên vào năm 1980 ở Miami - Mỹ, khi thực hiện DA chuyển đổi KS cũ được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước. Từ vài condotel được xây dựng ở Miami, đến nay, condotel đã có mặt tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, sản phẩm condotel đầu tiên là tòa tháp Nha Trang Plaza quy mô 40 tầng, với 240 căn hộ đạt tiêu chuẩn 5 sao, hoàn thành xây dựng vào năm 2009.
MINH ANH (thực hiện)