Thúc đẩy hợp tác khai thác bền vững nguồn nước sông Mekong
Theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy hợp tác khai thác bền vững nguồn nước sông Mekong” đã diễn ra ngày 31.10 tại trường Đại học Sakon Nakhon Rajabhat, tỉnh Sakon Nakhon, Thái Lan.
Các học giả, chuyên gia tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: Quang Thuận/Vietnam+)
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa trường Đại học Sakon Nakhon Rajabhat với Trung tâm Nghiên cứu biên giới, Hiệp hội Cứu lấy dòng sông Mekong, Quỹ Phục hồi sinh thái sông Mekong, Mạng lưới Người dân Thái tại 8 tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Dự hội thảo có trên 400 đại biểu, gồm các chuyên gia, học giả Thái Lan, Việt Nam, các nhà quản lý, giới báo chí cùng đông đảo sinh viên khu vực Đông Bắc đang học tập và nghiên cứu tại Đại học Sakon Nakhon Rajabhat. Hội thảo là diễn đàn đối thoại đa phương dành cho giới chuyên gia, báo chí, các tổ chức phi chính phủ (NGO) của Thái Lan chuyên về sông Mekong, sinh viên khu vực Đông Bắc Thái Lan nhằm tạo góc nhìn mới, đa chiều về các thách thức an ninh môi trường hiện hữu do biến đổi khí hậu và các dự án phát triển vùng thượng lưu gây ra cho các nước ở hạ nguồn. Đó là minh chứng rõ nét cho thấy các bên liên quan cần kết hợp cân bằng giữa lợi ích kinh tế và giá trị môi trường bền vững trong khu vực. Mục tiêu của hội thảo nhằm tăng cường nhận thức về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác thiếu bền vững sông Mekong đối với môi trường nói chung, đặc biệt là an ninh nguồn nước vùng hạ lưu nói riêng; thúc đẩy truyền thông về vấn đề môi trường của Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần chia sẻ hiểu biết về các thách thức trong việc khai thác và bảo tồn tài nguyên nước mà Đồng bằng sông Cửu Long đang và sẽ phải đối mặt trong tương lai. Tại hội thảo, các chuyên gia thống nhất nhận định nguồn nước sông Mekong đóng vai trò thiết yếu đối với tất cả các nước tiểu vùng sông Mekong và Trung Quốc, Myanmar.
Đại biểu tham quan khu triển lãm tranh, ảnh về sông Mekong. (Ảnh: Quang Thuận/Vietnam+)
Tuy nhiên, do theo đuổi những lợi ích riêng, trong đó có việc xây đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong nên giữa các nước đã và đang tồn tại nhiều mâu thuẫn về nguồn nước sông Mekong.
Các chuyên gia, học giả đã trình bày các báo cáo, công trình nghiên cứu liên quan việc sử dụng nguồn nước sông Mekong với các chủ đề như: “Tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”; “Đối phó với những tác động từ hiện tượng nóng lên toàn cầu đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”; “Những nguyên tắc cơ bản trong việc sử dụng chung nguồn nước sông Mekong”; “Tác động của việc phát triển có định hướng đối với sông Mekong”; “Vấn đề đập thủy điện trên sông Mekong và nguồn năng lượng thay thế”; “Lợi ích của các nước lưu vực sông Mekong”... Phần tham luận của các đại biểu có nội dung đa chiều và đều chung quan điểm rằng việc phát triển các dự án thủy điện trên sông Mekong sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với an ninh nguồn nước, đặc biệt ở những nước hạ lưu.
Các đại biểu nhấn mạnh cần tăng cường cơ chế hợp tác hiệu quả trong Ủy hội sông Mekong; tính thiết yếu của sự hợp tác giữa các nước liên quan trong lưu vực sông Mekong trước thách thức biến đổi khí hậu và hoạt động khai thác thiếu bền vững ngày càng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với dòng sông. Xen kẽ phiên thảo luận tại hội thảo, các đại biểu đã xem bộ phim tài liệu về sông Mekong do nhóm phóng viên Thái Lan quay tại Việt Nam; tham quan khu triển lãm tranh, ảnh về hoạt động khai thác bền vững nguồn nước sông Mekong. Đây là năm đầu tiên Đại học Sakon Nakhon Rajabhat tổ chức hội thảo về sông Mekong có quy mô lớn, thu hút sự quan tâm và hợp tác của các NGO Thái Lan có chuyên môn vấn đề sông Mekong, báo chí Thái Lan, Việt Nam và giới sinh viên khu vực Đông Bắc, tạo hiệu ứng tích cực trong nhận thức của giới trẻ Thái Lan về vấn đề môi trường sông Mekong./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)