Không có phê bình, đời sống âm nhạc còn ngộ nhận
Việc nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đưa ra nhận xét về một số ca sĩ nổi tiếng trong làng giải trí Việt Nam đang tạo ra một "cơn bão” dư luận trên nhiều diễn đàn mạng. Có người khen ông dũng cảm và đồng tình với những nhận xét của ông về Đàm Vĩnh Hưng, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm… Nhưng mặt khác một lượng fan khổng lồ của các ca sĩ này cũng "ném đá” ông không thương tiếc.
Và Đàm Vĩnh Hưng, như thói quen thường thấy, hễ thấy động đến mình là phản ứng, đã viết hẳn một "tâm thư” gửi ông nhạc sĩ già với lời lẽ quả thực cũng vẫn coi mình như một "ông hoàng” nên không được khiêm nhường cho lắm. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng đã có vài lời thanh minh lại, rằng ông không hạ bệ ai, rằng ông bị truyền thông dẫn dụ (khi trò chuyện ông nói theo kiểu khác nhưng khi đưa lên người viết bài lái câu chuyện theo hướng khác) và rằng, nếu có 1 vài lời nhận xét thì đó là ý kiến của riêng ông…
Ở đây, cũng không bàn đến việc đúng sai trong những lời nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 mà chỉ thấy qua câu chuyện này đang bộc lộ sự thiếu hụt nghiêm trọng của nền phê bình văn hóa nghệ thuật nước nhà. Nhất là trong lĩnh vực đang ầm ĩ nhất là âm nhạc, tuyệt nhiên không thấy xuất hiện những cây bút bình luận âm nhạc đủ sức dẫn dắt định hướng dư luận, không thấy xuất hiện những bài viết bình luận khiến cả người sáng tác và biểu diễn phải tâm phục khẩu phục. Cập nhật từng giây từng phút mọi hoạt động của cả nhạc sĩ và ca sĩ, nhưng việc của các tờ báo hiện nay, nhất là báo điện tử, là chạy theo sự kiện, chạy theo scandal và bình luận phiến diện về quần áo, trang phục, sắc vóc, phát ngôn…
Được biết trong danh sách hội viên của Hội nhạc sĩ Việt Nam, tỉ lệ hội viên ở lĩnh vực phê bình âm nhạc khá đông. Nhưng nếu như đời sống âm nhạc cực kỳ sôi động thì phê bình ngược lại, đang hụt hơi. Nếu có một nền phê bình đủ sức và đúng nghĩa "phục hồi những giá trị mẫu mực của người xưa và tìm ra những hạt ngọc trong đời sống âm nhạc hôm nay”, việc đưa ra những lời nhận xét như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vừa làm là chuyện bình thường. Ai được nói đến thì tự nhìn lại mình để hoàn thiện mình hơn, biết mình hơn. Nhưng vì không quen bị "phê bình”, sống trong sự nuông chiều của dư luận nên mới có chuyện hễ thấy nói động đến là "nhảy dựng” lên.
Việc Đàm Vĩnh Hưng được số đông hâm mộ là chuyện bình thường, không thể đem thị hiếu của người này áp đặt cho người khác. Nhưng nếu có một nền phê bình chân chính, không ngại va chạm, những người có nghề và lương tâm không thể để mãi sự mặc nhiên ngộ nhận với những danh xưng như "ông hoàng nhạc Việt” mà không hề lên tiếng.
Cũng như chưa có một người nào trong giới chuyên môn, có nghề chỉ ra rằng, ca từ này là đáng giá, ca từ kia lệch lạc về thẩm mỹ hay ca sĩ này được, ca sĩ kia chưa được ở điểm nào…
Rất nhiều lời bình luận tỏ ra thương xót nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vì đến tuổi đó mà còn vướng chuyện rắc rối. Bản thân ông cũng cảm thấy buồn phiền. Vậy là sau ông, chắc chắn lại chẳng ai dại gì lên tiếng nữa. Độc quyền bình luận lại thuộc về các fan hâm mộ và đời sống âm nhạc tiếp diễn bằng những sự lăng xê, ngộ nhận, những sự cố gắng để nổi tiếng và những công nghệ tạo ra nổi tiếng.
. Theo Cẩm Anh (Đại Đoàn kết)
Tôi rất đồng tình vói cách nghĩ của Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, tôi không biết các cơ quan chức năng nghĩ gì. Ông Bộ Trưởng Bộ văn hóa Hoàng Anh Tuân nghĩ gì và có kê hoạch gì, để cho một số bộ phận không nhỏ người làm nghệ thuật khỏi đánh mất " Đạo đức của Người làm nghệ thuật"