Từ một “thiên tai thế kỷ”!
Ngày 2.11 vừa qua là tròn 20 năm cơn bão Linda đổ bộ vào các tỉnh Nam bộ, gây thiệt hại cho 21 tỉnh thành, là cơn bão thảm khốc nhất tại miền Nam Việt Nam trong vòng ít nhất 100 năm cho đến thời điểm đó.
Toàn khu vực có hơn 770 người chết, 2.120 người mất tích, 1.230 người bị thương, chủ yếu là ngư dân; hơn 3.000 tàu bị đánh chìm, 107.890 nhà bị đánh sập, 120 ngàn ha nuôi trồng thủy sản và 320 ngàn ha lúa bị ngập... Ước tính tổng thiệt hại vật chất lên đến 7.200 tỉ đồng - một con số khổng lồ tại thời điểm đó. Với việc gây ra thiệt hại vô cùng lớn mang tính chất thảm họa, bão Linda được đánh giá là “thiên tai thế kỷ” với thiệt hại “nặng nề nhất là về sinh mạng, phương tiện tàu thuyền, cơ sở vật chất và mùa màng”(!).
Đúng thời điểm buổi lễ tưởng niệm nạn nhân cơn bão Linda năm 1997 diễn ra ở tỉnh Cà Mau - địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất - thì cơn bão số 12 có tên quốc tế là Damrey (Con Voi) với sức gió rất mạnh đã hình thành ở Biển Đông và hướng thẳng vào các tỉnh Nam Trung bộ. Thông tin cập nhật đến 20 giờ ngày 3.11 dự báo cơn bão có sức gió vùng gần tâm bão cấp 11 - 12, giật cấp 15 có khả năng ảnh hưởng đến Bình Định trong đêm 3.11 và ngày 4.11.
Dù đã có dự báo bão số 12 không trực tiếp đổ bộ vào Bình Định, nhưng với cường độ mạnh, diễn biến phức tạp và vùng ảnh hưởng rộng nên có khả năng gây mưa từ to đến rất to ở tỉnh ta. Do đã có các đợt mưa khá lớn trong những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11 nên khả năng xảy ra nước cuốn, lũ lụt, sạt lở đất… tại các điểm xung yếu ở các địa phương trong tỉnh là rất cao. Ngay trong sáng 3.11, tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai công tác chỉ đạo ứng phó, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu các cơ quan, địa phương dừng tất cả các cuộc họp để lo ứng phó với bão, lũ; không được chủ quan; duy trì trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ; các ngành, địa phương trong tỉnh triển khai các biện pháp cấp bách, huy động tổng lực các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, các lực lượng tại chỗ sẵn sàng ứng phó với bão…
Trong thời điểm chuẩn bị ứng phó với bão Damrey - Con Voi, chúng ta cùng nhớ lại bài học từ “thảm họa Linda”, để luôn nhớ rằng việc chủ động phòng tránh để ứng phó thiên tai không bao giờ thừa. Đặc biệt là phải thực hiện tốt hương châm “bốn tại chỗ” về chỉ huy, phương tiện, lực lượng và hậu cần; “ba sẵn sàng” về phòng tránh, ứng phó và khắc phục. Chỉ khi nào chúng ta có sự chủ động ứng phó mọi nơi, mọi lúc và huy động được sức mạnh tổng lực tại chỗ thì mới hạn chế được thiệt hại ở mức thấp nhất.
Năm nay, với diễn biến mưa bão, lũ lụt dồn dập tại nhiều nơi càng cho thấy sự khắc nghiệt của thiên tai là mối đe dọa thường trực đối với đời sống của chúng ta. Hãy luôn nhớ rằng, dù đã 20 năm trôi qua nhưng “thảm họa Linda” vẫn là nỗi đau không dễ nguôi ngoai!
H.Đ