Văn hóa giao thông dưới góc nhìn trẻ thơ
Có thể nói, triển lãm tranh do thiếu nhi vẽ về đề tài văn hóa giao thông là một cách làm hay, đánh động ý thức không chỉ bản thân các em mà còn đối với người lớn, góp phần xây dựng văn hóa giao thông.
Mỗi bức tranh là một thông điệp về ATGT để nhắc nhở mọi người.
Khi đi đò ngang phải nhớ mặc áo phao; đèn đỏ phải lập tức dừng lại; hoặc đơn giản chỉ là một con đường đầy nước khiến giao thông hỗn loạn… là những thông điệp được các em nhỏ chuyển tải qua các bức tranh tại Triển lãm tranh thiếu nhi vẽ về ATGT đang diễn ra tại TP Quy Nhơn. Các tác phẩm thể hiện sự đồng điệu trong suy nghĩ, nhận thức và cách tiếp cận luật giao thông của các em học sinh. Sau khi xem một lượt các bức tranh, em Võ Thị Trúc Linh, học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong, chia sẻ: “Em nghĩ các bức tranh này không chỉ dành riêng cho lứa tuổi chúng em mà còn dành cho người lớn. Vì nếu bất cứ ai trong chúng ta vi phạm các quy định về đảm bảo ATGT cũng sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường”.
Gần 80 bức tranh đạt giải của thiếu nhi cả nước được tuyển chọn từ Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi toàn quốc về đề tài văn hóa giao thông do Ủy ban ATGT quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phát động, đã được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa tỉnh với thông điệp: hãy tuân thủ các quy định về ATGT. Với tâm hồn trẻ thơ và cách nhìn hồn nhiên, trong sáng, màu sắc tươi vui phản ánh về văn hóa giao thông, các em thiếu nhi không chỉ đề cập đến những điều chưa đẹp trong văn hóa giao thông như lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu, tai nạn, tắc đường, mà còn thể hiện nhiều hành động đẹp, đáng trân trọng của thiếu nhi khi tham gia giao thông như giúp người già qua đường, đi đúng phần đường quy định, dừng xe khi đèn đỏ, không đi hàng ba...
“Thông qua những bức tranh về giao thông do chính các cháu thiếu nhi vẽ, sẽ khiến tất cả chúng ta suy nghĩ, bởi các em đã nhận thức được những hành vi đẹp và chưa đẹp từ thái độ ứng xử trong giao thông và thể hiện qua tranh thì tại sao chúng ta, những người lớn lại vi phạm để rồi gây ra bao hệ lụy đáng tiếc”
Giáo sư HOÀNG CHƯƠNG, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc
Mỗi bức tranh là một góc nhìn về văn hóa giao thông hết sức sinh động, nó không chỉ đánh động vào chính ý thức của các em mà còn đối với các bậc phụ huynh, người lớn; như nhắc nhở tất cả chúng ta phải nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông để giảm thiểu các tai nạn đáng tiếc. Sự thay đổi nhận thức sẽ dẫn đến những thay đổi về hành vi-một yếu tố vô cùng quan trọng nhằm hạn chế những vi phạm cũng như tổn thất về cả vật chất và tinh thần do TNGT gây ra.
Nói về việc tăng cường tuyên truyền ATGT, giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, chia sẻ: “Thông qua những bức tranh về giao thông do chính các cháu thiếu nhi vẽ, sẽ khiến tất cả chúng ta suy nghĩ, bởi các em đã nhận thức được những hành vi đẹp và chưa đẹp từ thái độ ứng xử trong giao thông và thể hiện qua tranh thì tại sao chúng ta, những người lớn lại vi phạm để rồi gây ra bao hệ lụy đáng tiếc”.
Theo số liệu của Ủy ban ATGT, tỉ lệ tử vong và vi phạm trật tự ATGT của thanh, thiếu niên chiếm đến gần 40% tổng số các vụ TNGT. Đặc biệt là tai nạn liên quan đến lứa tuổi trẻ em luôn ở mức cao. Vì vậy, việc đổi mới các hình thức tuyên truyền luật giao thông đối với các em thiếu nhi và chính những người xung quanh sẽ là việc làm cần thiết góp phần lan tỏa những hành động đẹp, những cách ứng xử văn minh, làm thay đổi những thói quen không đúng khi tham gia giao thông, xây dựng một xã hội an toàn, văn minh.
K.ANH