Câu chuyện nhỏ của một người Sekong
Từ tỉnh lỵ Sekong (Lào) đến cửa khẩu Nam Giang (tỉnh Quảng Nam, Việt Nam), phải đi qua huyện Ðak Chưng (Sekong) - quê hương của Tiến sĩ sử học người Lào Khămphiem Bualapha. Ðây cũng là một đoạn của đường Tây Trường Sơn. Dọc đường, mỗi khi cả đoàn dừng xe, là chúng tôi được ông kể cho nghe một câu chuyện.
Cổng vào tỉnh Sekong.
Chuyện của Khămphiem lấy núi rừng bạt ngàn của quê ông làm nền. Vùng núi này có những thung lũng rộng hàng trăm héc ta, khí hậu mát mẻ quanh năm. Chỉ cần nhắm mắt lại, bạn có thể hình dung đây là những khu vườn thảo dược, hoặc rừng cao su của thì tương - lai - gần. Khămphiem Bualapha nói về tài nguyên mênh mông, với khát vọng tìm được đối tác tử tế để giúp quê hương đất rộng người thưa của ông phát triển.
Chúng tôi nhìn thấy những hố bom, dấu tích thời chiến tranh. Khămphiem nói bộ đội Việt Nam và bộ đội Lào đã bắn rơi máy bay ở đó ở kia. Cánh tay Khămphiem phác những đường dứt khoát và gương mặt ánh lên tự hào. Bất chợt, ông huýt sáo và hỏi bạn trẻ Việt có nhận ra giai điệu ấy không, Y Nhíp và Duân cất tiếng hát “Đường ra trận mùa này đẹp lắm/ Đông Trường Sơn nhớ Tây Trường Sơn”.
Ông gật đầu, giọng xúc động: ”Hồi đó bộ đội Việt Nam sang giúp Lào đánh giặc. Con đường Hồ Chí Minh chính là con đường chúng ta đang đi qua, nhưng ngày xưa gập ghềnh gấp vạn lần, không to rộng như bây giờ. Sau khi Lào được giải phóng, bộ đội Việt Nam rút về, người dân Lào thương nhớ bộ đội, lên những đỉnh núi cao nhìn về phía mặt trời mọc, Tây Trường Sơn nhớ Đông Trường Sơn”. Giỏi quá là cái ông này, nói về lịch sử, về hữu nghị nhẹ không, mà thấm, mà xúc động vô cùng!
Trên đỉnh Tây Trường Sơn.
Gần đến trung tâm huyện Đak Chưng, có một trảng đất rộng được hai dãy núi xòe hình cánh cung bao bọc. Gió rất hiền hòa, những cây thông ứa nhựa thơm nức. Thật là một vùng thoáng đãng!
“Hẳn là ông ấy định giới thiệu về tiềm năng vùng này đây” - một anh bạn “bị” sự khéo léo của Khămphiem làm cho thú vị, thử đoán trước. Khămphiem Bualapha dang tay về phía những cây thông, hỏi chúng tôi: “Các bạn có thấy đây là một vùng đất đẹp không? Các bạn đang nghĩ: Vùng đất đẹp đó tại sao không có người ở, đúng không?”
"Thiên nhiên, đất đai, muông thú có thể tận hiến, dưỡng nuôi con người; nhưng con người không được phép đối xử dã man với thiên nhiên, đất đai, muông thú. Nếu không, sẽ nhận lấy hậu quả khôn lường!"
Và ông trả lời những câu hỏi của mình bằng một câu chuyện.
“Ngày xưa, trảng đất rộng và đẹp đó từng là nơi cư trú của một bản Lào, tên bản là Nhot Thoong. Quanh đây đất đai phì nhiêu, thú rừng rất nhiều, dân bản sống bằng nghề trồng hái lượm, rẫy nương và săn bắt. Trong bản nhiều người già trẻ con, nhiều trai thanh gái tú, cuộc sống bình yên, vui vẻ.
Thế mà, ngay chỗ kia, đầu bản, một hôm có một con nai sập bẫy. Lẽ ra nếu trói nó lại rồi giết thịt thì không sao cả, nhưng có hai trai bản say rượu, liên tiếp phóng lao vào con vật tội nghiệp, khắp mình nó máu chảy ràn rụa, ướt cả đất. Gọi là thế nào nhỉ? Là rất dã man ấy. Con nai khóc, kêu thảm thiết, tiếng kêu khóc của nó vang xa, vọng lên trời.
Sáng hôm sau, người quanh vùng qua đây không thấy bản Nhot Thoong đâu nữa! Cả một ngôi bản đã biến khỏi mặt đất. Chỗ người ta chất củi nướng con nai đêm trước, vẫn còn tro tàn và những vệt máu đọng trên đất chưa khô, nhưng nhà cửa và dân chúng bản Nhot Thoong đã biến mất!
Thế rồi một ngày, hai ngày, ba ngày... một con trăng, hai con trăng, ba con trăng trôi qua, người trong vùng vẫn chưa hiểu bản Nhot Thoong bay lên trời hay chui xuống đất.
Một hôm, có người ở Đak Chưng đi lạc hàng tháng trời, khi quay trở về, đã nói rằng ông ta gặp lại toàn bộ dân bản Nhot Thoong ở chân núi Thà Tèng, họ bảo nửa đêm hôm ấy trời nổi gió hốt cả bản ném lên không trung và họ rơi xuống ở đó, không về chỗ cũ được. Nơi đó cách đây mấy dãy núi lớn, dân bản Nhot Thoong chỉ loanh quanh ở đó, không thể tìm đường về.
Là Trời đã nổi giận, là Trời đã trừng phạt Nhot Thoong!”.
Câu chuyện của Khămphiem Bualapha đã hết, nhưng người nghe ngẩn ngơ hồi lâu vì ý nghĩa nhân văn của nó. Thiên nhiên, đất đai, muông thú có thể tận hiến, dưỡng nuôi con người; nhưng con người không được phép đối xử dã man với thiên nhiên, đất đai, muông thú. Nếu không, sẽ nhận lấy hậu quả khôn lường!
Câu chuyện của một người Sekong, nhưng thông điệp không chỉ riêng cho một ai, thông điệp không biên giới.
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG