Chính sách hỗ trợ lúa lai cho đồng bào dân tộc thiểu số: Hiệu quả thấy rõ
Chính sách hỗ trợ lúa lai cho đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và hạn chế tình trạng di dân tự do, lấn chiếm đất lâm nghiệp để làm nương rẫy.
Nông dân huyện Vĩnh Thạnh thu hoạch lúa lai vụ Thu năm 2017.
Lợi ích nhiều mặt
Thực hiện chính sách hỗ trợ lúa lai cho đồng bào các dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) theo Quyết định số 52/2015 của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp tỉnh chuẩn bị chu đáo về nguồn lúa giống, phối hợp với các địa phương quy hoạch cụ thể diện tích sản xuất lúa lai đảm bảo đủ nước tưới từng mùa vụ; xây dựng các mô hình trình diễn chuyển giao kỹ thuật. Các địa phương cũng đã sử dụng nguồn kinh phí từ Chương trình 135, Chương trình 30a và các nguồn vốn khác để hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân.
“Năm 2017, tỉnh đã hỗ trợ cho hàng ngàn hộ ĐBDTTS tại 6/11 huyện thị xã, thành phố 134 tấn giống lúa lai để sản xuất 2 vụ lúa/năm với tổng diện tích trên 2.933 ha. Năng suất lúa lai bình quân đạt 61,2 tạ/ha, tăng 6,8 tạ/ha so với lúa thuần, thu nhập tăng thêm 1,5 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thuần”
Sự hỗ trợ về nhiều mặt của ngành chức năng và chính quyền các cấp đã giúp các bà con ĐBDTTS trong tỉnh từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, giảm dần diện tích lúa nương rẫy năng suất thấp, mạnh dạn sử dụng các giống lúa lai và áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Bà Đinh Thị Hoay, ở làng 5, xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh), cho biết: Trước đây bà con trong làng không dám sản xuất lúa lai vì sợ khó chăm sóc, nhưng khi được cán bộ hướng dẫn, tôi thấy làm lúa lai cũng không khác nhiều so với sản xuất lúa thuần, nên 2 năm gần đây vụ nào tôi cũng sản xuất 2 sào lúa lai; năng suất bình quân đạt trên 3 tạ/sào/vụ, cao hơn nhiều so với lúa thuần. Nhờ sản xuất lúa lai, nên gia đình tôi không sợ thiếu đói giáp hạt, yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập.
Ông Lê Văn Đẩu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Ngoài nguồn lúa giống được tỉnh hỗ trợ, huyện đã sử dụng một phần kinh phí từ các chương trình dự án để mua 25,5 tấn phân bón hỗ trợ thêm cho nông dân; đồng thời chỉ đạo ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất vào thực tế. Nhờ vậy, năm 2017 đã có 1.495 hộ dân là ĐBDTTS đã được tỉnh hỗ trợ hơn 17,5 tấn lúa giống để sản xuất trên 389 ha, đạt 100% diện tích đăng ký với tỉnh, chiếm 40% tổng diện tích sản xuất lúa của toàn huyện; năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha, tăng hơn 20% so với sản xuất lúa thuần. Chính sách hỗ trợ lúa lai cho ĐBDTTS đã giải quyết được nhu cầu lương thực tại chỗ cho người dân ở những vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao đời sống, hạn chế tình trạng di dân, phát rừng làm nương rẫy ở địa phương.
Các huyện Vân Canh, An Lão, Tây Sơn… cũng đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ lúa lai cho ĐBDTTS sản xuất. Theo Sở NN&PTNT, năm 2017 tỉnh ta đã hỗ trợ cho hàng ngàn hộ ĐBDTTS tại 6/11 huyện thị xã, thành phố 134 tấn giống lúa lai HT 3-3, TH 3-5, BiO 404, CT16, HYT 108 để sản xuất 2 vụ lúa/năm với tổng diện tích trên 2.933 ha. Các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Tây Sơn hỗ trợ thêm cho nông dân 455 tấn phân bón các loại. Năng suất lúa lai bình quân đạt 61,2 tạ/ha, tăng 6,8 tạ/ha so với lúa thuần, sau khi trừ chi phí, thu nhập tăng thêm 1,5 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thuần. Riêng đối với các huyện: Vĩnh Thạnh, An Lão, nhờ năng suất lúa lai cao nên lợi nhuận tăng trên 3 triệu đồng/ha.
Tiếp tục hỗ trợ để phát triển sản xuất
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 100% giống lúa lai cho ĐBDTTS trong vụ Đông Xuân 2017-2018. Sở NN&PTNT cũng đã giao các đơn vị trực thuộc chuẩn bị nguồn giống tốt để cung ứng cho các địa phương để sản xuất kịp thời vụ; phối hợp với chính quyền các địa phương thẩm định, kiểm tra diện tích đủ điều kiện sản xuất lúa lai; tham mưu đề xuất các giải pháp chỉ đạo sản xuất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, để cây trồng phát huy hiệu quả.
Ông Đỗ Tấn Tiên, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng tỉnh, cho biết: Hiện có 6 huyện: An Lão, Phù Cát, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Hoài Ân, Vân Canh đã đăng ký 80,182 tấn lúa lai các loại để sản xuất trên diện tích 1.781 ha trong vụ Đông Xuân 2017-2018. Trung tâm đã liên hệ với các công ty giống cây trồng có uy tín trong nước để nắm chắc thông tin về nguồn giống lúa lai, chủng loại, giá và đã thông báo cho chính quyền các địa phương biết. Trên cơ sở diện tích sản xuất, lượng lúa giống và chủng loại giống của các địa phương đăng ký đã được UBND tỉnh phê duyệt, Trung tâm sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết, đảm bảo chuẩn bị đủ nguồn giống lúa lai cho các địa phương trong thời gian sớm nhất.
PHẠM TIẾN SỸ