Cải cách, hiện đại hóa công tác hải quan: Ðem lại nhiều lợi ích
Thời gian qua, Cục Hải quan Bình Ðịnh đã đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa công tác hải quan, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ; tạo thuận lợi cho DN trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa.
Nhân viên Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn giải quyết thủ tục hải quan cho DN.
Giảm thời gian, tăng lợi ích
Nhiều DN đánh giá, từ khi Hải quan Bình Định (HQBĐ) triển khai hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) vào tháng 5.2014 đến nay, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực HQ giảm đáng kể, rút ngắn thời gian thông quan, giúp DN tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả công việc.
Bà Đinh Thị Bích Nga, nhân viên Công ty TNHH TM xuất nhập khẩu Hoàng Ngọc (ở TP Quy Nhơn) chuyên xuất khẩu mì lát, cho hay: “Trước đây, khai giấy tờ HQ thủ công mất cả buổi, bây giờ chỉ còn 15 - 30 phút nhờ khai HQ điện tử. Hệ thống kết nối trên toàn quốc nên ngồi ở Quy Nhơn vẫn có thể mở tờ khai ở bất kỳ nơi nào trên cả nước và theo dõi được tình trạng hồ sơ HQ qua mạng, vừa giúp DN tiết kiệm chi phí đi lại, vừa minh bạch hóa thủ tục HQ”.
Ông Nguyễn Duy Tuân, nhân viên làm thủ tục xuất nhập khẩu của Công ty Seatrans Bình Định, nhận xét: “Thủ tục hành chính của HQBĐ hiện nay đơn giản, gọn nhẹ, lượng giấy tờ giảm 30 - 50% so với trước. Nhân viên HQ giải quyết công việc nhanh chóng. Nhờ đó, công ty tiết kiệm được khoảng 30 - 50% thời gian và 20 - 30% chi phí đi lại”.
Ông Nguyễn Trung Phong, Phó Cục trưởng Cục HQBĐ, khẳng định, hệ thống công nghệ thông tin của ngành hiện nay đã kết nối từ tổng cục đến cục và chi cục nên không có khâu nào bị chậm trễ vì chưa có kết nối dữ liệu. Hiện nay chỉ có 28% thời gian thông quan hàng hóa phụ thuộc vào ngành HQ; 72% thời gian còn lại phụ thuộc vào các cơ quan liên quan kiểm tra chuyên ngành như giám định chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Việc giảm thời gian thông quan hàng hóa góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong hoạt động kinh doanh; từ đó tác động đến số thu ngân sách nhà nước của cơ quan HQ. Theo báo cáo tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm 2017, HQBĐ thu ngân sách trên 422 tỉ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 83,6% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao năm 2017.
Tiếp tục hiện đại hóa
Tuy hoạt động hiện đại hóa HQ được cộng đồng DN đánh giá cao, nhưng công tác quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển, HQ và DN kinh doanh cảng, kho, bãi chưa có sự kết nối thông tin với nhau, gây mất thời gian làm thủ tục của DN, nhất là khi nhiều khâu còn thực hiện thủ công.
“Đề án quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực kho, bãi, cảng trên hệ thống thông quan điện tử tại cảng Quy Nhơn vào năm 2018 được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá qua việc điện tử hóa công tác giám sát, quản lý theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại”
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại, HQBĐ đang xây dựng kế hoạch chuẩn bị triển khai Đề án quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu qua khu vực kho, bãi, cảng trên hệ thống thông quan điện tử tại cảng Quy Nhơn vào năm 2018. Hiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của HQ đã đầy đủ. Hệ thống phần mềm Stos-Container xây dựng cho cảng Quy Nhơn đã có đủ dữ liệu để sẵn sàng liên thông, chia sẻ với HQ. Việc thử nghiệm kết nối trao đổi dữ liệu giữa hai bên đã thành công.
“Đề án nói trên được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá qua việc điện tử hóa công tác giám sát, quản lý theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Quy trình quản lý nhà nước của HQ và quản lý kinh doanh của cảng sẽ được hài hòa; cả 3 bên gồm HQ, cảng và DN đều có lợi”, ông Phong nhấn mạnh.
Theo đó, DN xuất nhập khẩu giảm thiểu hồ sơ giấy tờ, giảm gánh nặng trong khai báo thủ tục HQ, đẩy nhanh quá trình thông quan, tiết kiệm chi phí kinh doanh nhờ thủ tục tại cảng biển được đơn giản hóa. DN được tiếp cận thông tin chính xác để nắm được tình trạng hàng hóa, từ đó có kế hoạch điều tiết di chuyển hàng hóa trong khu vực giám sát hợp lý, tiết kiệm được các chi phí lưu kho, vận chuyển. Quan trọng hơn, điện tử hóa thông tin giúp môi trường kinh doanh minh bạch, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh cho DN.
Đề án giúp cơ quan HQ theo dõi chặt chẽ, kịp thời quá trình di chuyển, biến động và tình trạng của hàng hóa từ khi vào đến khi ra khỏi và vận chuyển giữa các điểm chịu sự giám sát của HQ. Qua đó, tăng cường quản lý, giám sát, nâng cao tính tuân thủ của DN, ngăn ngừa gian lận thương mại, phòng chống buôn lậu… Với cảng Quy Nhơn, việc phối hợp giám sát sẽ góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin đối với hoạt động giao nhận hàng hóa, tăng hiệu suất khai thác, kinh doanh; nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và uy tín của cảng.
TỐ UYÊN