Kiểm tra, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm 2017: Quan trọng là thực chất
Ðó là quan điểm của Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Minh Tuấn khi nói về việc kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm 2017.
Ông Lê Minh Tuấn nhấn mạnh, trong kiểm điểm cần chú trọng nhận diện, xác định rõ những biểu hiện suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) để từng cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên “soi mình” tự phê bình và đấu tranh phê bình.
Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Minh Tuấn trình bày tham luận tại tọa đàm khoa học Kỷ niệm 70 năm ra đời tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
• Để đảm bảo chất lượng của hoạt động kiểm điểm tập thể, cá nhân, một trong những giải pháp quan trọng là chú trọng khâu “gợi ý kiểm điểm”. Xin ông cho biết cụ thể nội dung này?
- Đối với những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì cấp trên cần gợi ý nội dung kiểm điểm bằng văn bản, yêu cầu báo cáo giải trình và trực tiếp dự, chỉ đạo việc kiểm điểm. Ban tổ chức cấp ủy chủ trì, phối hợp với ủy ban kiểm tra cùng cấp và các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ nội dung gợi ý kiểm điểm đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc và cán bộ, đảng viên thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ cấp ủy. Đảng ủy, chi ủy cơ sở gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân trong đảng bộ, chi bộ.
Bên cạnh đó, tùy tình hình và điều kiện cụ thể, trước khi kiểm điểm, cấp trên chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến đóng góp của Ủy ban MTTQ, ban chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy đang xin ý kiến các ban đảng, Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh về nội dung gợi ý kiểm điểm tập thể, cá nhân; trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy gợi ý kiểm điểm năm 2017.
• Liên quan đến đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, một vấn đề được quan tâm gần đây là quy định tỉ lệ đạt “trong sạch vững mạnh”. Đã có tình trạng “hiểu nhầm” quy định, đưa tỉ lệ “cứng” đến cấp chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Theo quy định chung, số tổ chức cơ sở đảng được phân loại “trong sạch vững mạnh” không vượt quá 50% tổng số tổ chức cơ sở đảng của huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy. Tuy nhiên, ở một số nơi lại “áp” tỉ lệ này đến tận chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, phần nào ảnh hưởng đến phong trào thi đua của một số địa phương.
Sẽ có cả “điểm trừ”
Trong hướng dẫn kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm 2017 do Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành, bảng điểm đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng được xây dựng theo hệ thống tiêu chí phù hợp với loại hình (tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan, xã, phường, thị trấn, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp tư nhân). Ðáng chú ý, hướng dẫn cũng nêu rõ 11 nội dung nếu không đảm bảo thì bị trừ từ 3 đến 5 điểm. Chẳng hạn, “Chưa xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)” (-5), “Ðể xảy ra mất an ninh, trật tự tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người và vượt cấp tại địa phương” (-5), “Không đạt chỉ tiêu kết nạp đảng viên theo Nghị quyết đề ra trong năm 2017” (-4)...
Trong hướng dẫn kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên năm 2017, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy có trách nhiệm cụ thể hóa nội dung đánh giá và bảng điểm của Ban Tổ chức Tỉnh ủy; xây dựng bảng điểm chi tiết đối với đảng bộ bộ phận và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Cấp tỉnh không trực tiếp hướng dẫn việc đánh giá, phân loại chất lượng đối với hơn 3.000 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở hiện có trên toàn tỉnh.
Tôi cho rằng, quan trọng là quá trình kiểm điểm và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đảm bảo thực chất, tránh hình thức. Việc quy định tỉ lệ đạt “trong sạch vững mạnh” đối với chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở không quan trọng bằng xây dựng một hệ thống tiêu chí đánh giá “sát sườn” cùng bảng điểm phù hợp với thực tế ở từng địa phương, đơn vị; từ đó định lượng chính xác chất lượng của tổ chức cơ sở đảng.
• Rõ ràng, đảm bảo thực chất là yêu cầu quan trọng trong quá trình đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Song, không hiếm trường hợp sau khi đảng bộ được công nhận trong sạch vững mạnh, địa phương lại bị phát hiện có sai phạm nghiêm trọng...
- Không thể phủ nhận tình trạng đó. Đơn cử, mới đây có xã vừa công bố quyết định của UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng nghĩa Đảng bộ xã phải được xếp loại trong sạch vững mạnh. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau, Báo Bình Định đã phản ánh có đơn thư tố cáo vi phạm công tác quản lý đất đai, xây dựng ở xã. Như vậy, có thể đặt câu hỏi, việc đánh giá, phân loại chất lượng đối với Đảng bộ xã đã thật sự khách quan, nghiêm túc?
Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường tiếp nhận các kênh thông tin để nắm bắt kịp thời các vấn đề nổi cộm, các sai phạm của các đơn vị, địa phương. Đây sẽ là căn cứ để yêu cầu tổ chức cơ sở đảng làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân khi kiểm điểm, đánh giá, phân loại.
• Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)