Văn học Nga-Xô Viết và sự đồng điệu với trí tuệ, tâm hồn người Việt
Theo những tư liệu lịch sử còn lưu giữ được thì Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà cách mạng tiền bối của dân tộc như Lê Duẩn, Trường Chinh… được coi là những người Việt Nam đầu tiên tiếp xúc với văn học Nga-Xô Viết.
Triển lãm “Những trang tình nghĩa” trích sưu tập “Văn học Nga ở Việt Nam” của nhà văn-dịch giả Hoàng Thúy Toàn. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)
Tiếp đó là thế hệ những thanh niên trí thức “Tây học” đi theo cách mạng rồi trở thành những người cầm bút tiêu biểu như Tố Hữu, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Hải Triều, Đặng Thai Mai…
Từ những hạt nhân đó, văn học Xô Viết theo bước chân những người chiến sỹ ra chiến trường, trở thành động lực tinh thần và kim chỉ nam cho họ. Khi kháng chiến thắng lợi, miền Bắc được giải phóng, văn học Xô Viết ngày càng củng cố địa vị vững chắc trong đời sống văn nghệ Việt Nam. Sách của những tác giả văn học Xô Viết đã thành danh và cả những tác giả mới đều được dịch và giới thiệu. Văn học Xô Viết trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với độc giả Việt Nam thời bấy giờ, từ những độc giả bình thường cho đến những nhà nghiên cứu, sinh viên, trí thức… Con đường đến với độc giả Việt Nam Dịch giả Thúy Toàn từng chia sẻ rằng ông luôn gắn bó với văn học Nga-Xô Viết để cố gắng tìm những mạch nguồn trong quan hệ giữa hai nền văn học và ông phát hiện ra điều rất lý thú là văn học Nga-Xô Viết đã vào Việt Nam ngay từ những năm 20 của thế kỷ 20, được giới trí thức Việt Nam quan tâm học hỏi. Năm 1927 đã có những bài viết về Lev Nikolayevich Tolstoy của tác giả Phan Khôi. Từ đó, nhà văn Phan Khôi đã bắt đầu dịch và giới thiệu văn học Xô Viết trên tờ Đông Pháp về các tác giả như Vasili và một vài nhà văn khác qua tiếng Trung Quốc... Theo dịch giả Thúy Toàn, các trí thức Việt Nam đã đến với văn hóa, văn học Nga-Xô Viết bằng mọi con đường. Điều này lý giải việc một nhà văn như Dostoievski mà có nhiều nhà văn Việt Nam dựa vào tác phẩm của ông để viết. Nhà văn Hồ Biểu Chánh là một trong những người có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong số đó không ít tác phẩm dựa vào các cốt truyện của các nhà văn Nga. Bản thân nhà văn Hồ Biểu Chánh cũng tự nhận rằng, khi đọc những tác phẩm của ông như: “Chúa tàu Kim Quy,””Ngọn cỏ gió lùa,” độc giả sẽ dễ dàng nhận thấy chúng có sự ảnh hưởng của tác phẩm “Những người khốn khổ” hay “Tội ác trừng phạt" của văn học Xô Viết. Khẳng định việc tiếp nhận tinh hoa văn học Nga-Xô Viết ở Việt Nam là một quá trình liên tục và sâu đậm, đặc biệt là từ sau Hiệp định hợp tác văn hóa Xô-Việt được ký kết năm 1957, sau đó hàng loạt các tác phẩm văn học Nga-Xô Viết được ra mắt tại Việt Nam, nhà văn, nhà phê bình Lê Thành Nghị cho rằng, có thể nhận ra qua những tác phẩm này, tính chất hiện thực sâu sắc của văn học Nga thế kỷ 19 cũng như chất sử thi bi tráng của văn học Xô Viết không chỉ thu hút người đọc mà còn in dấu khá đậm trong thực tiễn sáng tác của các nhà văn Việt Nam. Đây là một quá trình tiếp nhận tự nguyện, từ sự đồng điệu của trí tuệ và tâm hồn. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nhà nghiên cứu văn học Lê Sơn, Đào Tuấn Ảnh, Phan Hồng Giang, Trần Đình Sử, Phong Lê… đều chung quan điểm văn học Nga thế kỷ 19 là một trong những nền văn học phong phú và tiên tiến nhất của nhân loại, là một trong những thành tựu rực rỡ nhất của nghệ thuật thế giới, phát triển đến đỉnh cao với những ngôi sao chói lọi như Alexander Pushkin, Ivan Alekseyevich Bunin, Fyodor Dostoyevsky, Ivan Sergeyevich Turgenev, Anto Chekhov, Nikolai Gogol, Mikhail Sholokhov, Maxim Gorky... Với nhiều tác phẩm đều là những mẫu mực, tinh hoa của nền nghệ thuật hiện đại, văn học Nga có ảnh hưởng lâu dài, sâu rộng đến các nền văn học khác trên thế giới. Văn học Xô Viết đã tác động sâu sắc tới đời sống tinh thần của người chiến sỹ Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Những trang văn, những dòng tâm sự của thơ ca Xô Viết cũng là nguồn động lực tinh thần của những người mẹ, người chị, người vợ ở hậu phương, trong đó, có thể kể đến thi phẩm “Đợi anh về” của Simonov đã được nhà thơ Tố Hữu dịch sang tiếng Việt; những bài thơ của Olga Bergolt, Esenin, Blok…
Các nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ tham quan triển lãm “Những trang tình nghĩa” trích sưu tập “Văn học Nga ở Việt Nam” của nhà văn-dịch giả Hoàng Thúy Toàn. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)
Những tác phẩm văn học Nga thời ấy với sức hấp dẫn, sự thôi thúc sục sôi đã giục giã biết bao thanh niên noi gương Pavel Corsaghin, Pavel Vlaxov, Davudov… xung phong trên các mặt trận, dũng cảm chiến đấu chống lại quân thù, hăng say lao động sản xuất xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Khắc sâu dấu ấn trong lòng bạn đọc Việt Nam “Bức tranh toàn cảnh văn học Nga thời hậu Xô Viết vẫn đang được vẽ nên với những đường nét đa dạng và phức tạp, không còn dễ nắm bắt. Nhiều chiều hướng, nhiều tác giả, tác phẩm mới khác lạ thời Xô Viết xuất hiện kế tục và thay thế nhau. Định hình văn học Nga như trước đây là việc không dễ dàng. Nhưng một nước Nga mới đang xuất hiện, ở đó có sự kế thừa và phát triển, giống như mọi hiện tượng khác của lịch sử,” nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận định. Thống nhất quan điểm trên, nhà văn, nhà phê bình Lê Thành Nghị cho rằng, nước Nga hôm nay đang thay đổi, tự cường và từng ngày củng cố sức mạnh. Điều này cho thấy những giá trị của “sự tiến bộ thời Xô Viết” đang được tái sinh, một nền văn học Nga phong phú và phức tạp hơn. Để dấu ấn văn học Nga-Xô Viết thêm sâu đậm trong tâm hồn các thế hệ bạn đọc Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình… cần tiếp tục truyền đạt những tinh hoa mới của văn học Nga vào Việt Nam để độc giả có thể biết diện mạo mới của văn học Nga sau cải tổ. Cùng chung mong muốn ấy, dịch giả Thúy Toàn lại chọn cách xây dựng Nhà lưu niệm văn học Nga. Nhà lưu niệm văn học Nga của ông nay đã có hàng vạn hiện vật; từ sách, báo, tạp chí, bút tích đến tranh ảnh, huy hiệu huy chương, tem thư, rất nhiều đồ vật lưu niệm mà các nhà văn Nga, nhà văn hóa Nga đã từng sử dụng và trao tặng. Dịch giả này cũng đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức được một cuộc gặp gỡ trao đổi với trên 50 người viết về văn học, văn hóa Nga và sáng tác những tiểu thuyết về nước Nga; tổ chức triển lãm "Những trang tình nghĩa,” trưng bày các trang báo, bài viết về văn hóa, văn học Nga. Còn nhà thơ Vũ Huy Hoàng lại đề cập đến vấn đề biên dịch, quảng bá văn học Nga tại Việt Nam và văn học Việt Nam tại Liên bang Nga. Nhà thơ cho rằng, Hội Nhà văn Việt Nam đã thành lập Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga và văn học Việt Nam; Quỹ văn học Việt-Nga của Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây cũng đã có vài lượt dịch, giới thiệu một số tác phẩm để lại dấu ấn của văn học Nga-Xô Viết. Tuy nhiên việc làm này cần được làm thường xuyên, có hệ thống hơn. Bên cạnh đó, Hội Nhà văn Việt Nam, những người yêu văn học, văn hóa Nga-Xô Viết nên trở thành nhịp cầu văn hóa để triển khai những hoạt động quảng bá văn học Nga-Xô Viết sang Việt Nam và ngược lại./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)