Ra mắt tập thơ của Pushkin 'Mặt trời thơ ca của nước Nga"
Sách "Những dòng thơ viết trong đêm không ngủ"của Pushkin - biểu tượng của dòng văn học lãng mạn Nga thế kỷ XIX, vừa được xuất bản giúp bạn đọc phần nào hiểu hơn về đại thi hào nước Nga.
Sách "Những dòng thơ viết trong đêm không ngủ" của Pushkin là tác phẩm mới nhất thuộc tủ sách Văn học Nga của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Cuốn sách do dịch giả Thúy Toàn - một người tâm huyết với văn học Nga - chuyển ngữ, Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (1917-2017).
Tập thơ gồm 48 bài, thấm đẫm tinh thần cách mạng và dân tộc. Cuối sách có thêm phần chú thích, giúp độc giả hiểu rõ hơn bối cảnh ra đời của các bài thơ, từ đó có thể mở rộng biên độ tiếp cận.
Được giới thiệu trong tập sách, "Gửi Chaadayev" là một trong những sáng tác thể hiện rõ những quan điểm cách mạng của Pushkin từ năm 1817 trở đi. Tác phẩm này được chép tay và truyền đi rộng rãi, trở thành vũ khí tuyên truyền rất mạnh của các tổ chức cách mạng bí mật, đặc biệt là hai câu: “Hỡi đồng chí, hãy vững lòng tin tưởng/Sao hạnh phúc nguy nga rồi hiện sáng” được những người tham gia khởi nghĩa khắc vào huy hiệu đeo trên ngực.
Hay bài "Người tù", biểu lộ chí khí bất khuất, khát vọng tự do của tác giả ngay trong những năm bị đày ở miền Nam nước Nga: “Bay, bay đi, ta loài chim tự do!/Bay về miền núi ngời sau mây xám/Bay về vùng nước biển xanh phẳng lặng/ Bay về nơi chỉ có gió… và ta!...”.
"Giông tố" cùng với "Lá thư bị đốt cháy", "Lá bùa"… cũng thuộc loạt thơ viết về đề tài miền Nam. Đây cũng là một trong những tác phẩm cuối cùng của Pushkin dành cho văn học lãng mạn: “Ôi, biển cả trong mịt mờ bão tố/Và trời mây muôn ánh chớp đẹp sao?/Nhưng tin tôi: Cô nàng trên mỏm đá/ Đẹp hơn nhiều sóng, bão với trời cao”.
Hay bài thơ được lấy tên chung cho cả tập, "Những dòng thơ viết trong đêm không ngủ", là tác phẩm tiêu biểu cho thể loại thơ trữ tình vào những năm 1829-1830, đạt tới đỉnh cao về sự tổng hợp triết lý và sự hoàn chỉnh về nghệ thuật. Pushkin thể hiện khát khao muốn hiểu cuộc đời mình. Mỗi hình ảnh, mỗi chữ dùng, mỗi âm thanh đều chung sức toát lên mục đích của bài thơ…
Với Pushkin, nhà văn N.Gogol nhận định: “Khi nhắc đến Pushkin, ta nghĩ đến ngay đó là một nhà thơ dân tộc… Trong ông, thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga, ngôn ngữ Nga, tính cách Nga được phản ánh thuần khiết đẹp tới mức giống như cảnh vật được soi trên mặt phóng đại. Pushkin là một hiện tượng đặc biệt, có thể nói, là hiện tượng duy nhất của tinh thần Nga”.
Còn nhà phê bình kiệt xuất Belinsky thì cho rằng: “Pushkin thuộc vào những hiện tượng sống và chuyển động vĩnh hằng, không dừng lại ở thời điểm mà cái chết bắt gặp, mà tiếp tục phát triển trong nhận thức xã hội. Mỗi thời đại đều lên tiếng bình giải về những hiện tượng đó, và dường như đã thấu hiểu, nhưng bao giờ cũng vẫn để lại cho thời đại tiếp theo có thể phát biểu ra một điều gì đó mới mẻ và chính xác hơn về những hiện tượng ấy, và không một thời đại nào, không bao giờ có thể nói cho được đầy đủ…”.
Theo Nhật Nam (Chinhphu.vn)