Nỗ lực trục vớt tàu chìm, thông luồng cảng Quy Nhơn
Như tin đã đưa, bão số 12 đã làm cho 8 tàu vận tải hàng hóa lớn neo đậu tại phao số 0 thuộc vùng biển Quy Nhơn bị chìm, 2 tàu dạt vào bờ, mắc cạn. Tình trạng này đã làm cho luồng lạch ra vào các cảng biển Quy Nhơn bị ách tắc. Hiện các đơn vị chức năng đang tập trung triển khai các biện pháp trục vớt tàu, nhằm đảm bảo thông suốt luồng lạch ra vào cảng trong thời gian sớm nhất.
Tàu Nam Khánh 26 bị chìm tại phao số 5 gây ách tắc luồng hàng hải ra vào cảng Quy Nhơn.
Cảng Quy Nhơn bị “tê liệt”
Sáng 7.11, ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Tổng giám đốc thường trực cảng Quy Nhơn, cho biết: Tình trạng nhiều tàu hàng bị chìm tại các vị trí trong vùng luồng lạch ra vào cảng đã làm cho cảng bị “tê liệt” trong mấy ngày nay. Hiện tại, trên các vị trí tại phao số 3 và phao số 5 có 2 tàu đang bị chìm là tàu Nam Khánh 26 và Biển Bắc 16, khiến cho hoạt động ra vào cảng bị ách tắc. Do vậy, hầu như các tàu có trọng tải lớn không thể ra vào cảng để xếp dỡ hàng hóa. Có 4 tàu đã làm hàng nhưng không ra được. Riêng trong ngày 7.11, có 3 tàu hàng trọng tài 50.000 tấn không thể vào cảng để xếp dỡ hàng hóa, phải đến cảng khác, gây thiệt hại cho DN.
“Do sự cố luồng lạch ra vào cảng Quy Nhơn bị tắc nghẽn nên hiện có nhiều tàu hàng trọng tải lớn còn chờ ở bên ngoài phao số 0. Mỗi ngày các tàu hàng quốc tế nằm chờ để được vào cảng xếp dỡ hàng hóa phải chi phí từ 5.000 - 6.000 USD. Nếu không có biện pháp sớm trục vớt các tàu bị chìm để thông luồng lạch sẽ gây thiệt hại lớn cho DN. Không những vậy, nếu càng kéo dài tình trạng này, thương hiệu cảng Quy Nhơn sẽ còn bị ảnh hưởng nữa”, ông Phúc lo lắng.
Theo ông Bùi Văn Vương, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn: Cụ thể 8 tàu hàng bị chìm gồm: Sơn Long 08, Việt Thuận 168, Hà Trung 8, Biển Bắc 16, Nam Khánh 26, Hoa Mai 68, An Phú 168, FEI YUE 9. Thiệt hại ban đầu ước tính lên đến khoảng 400 tỉ đồng. “Tại cảng Quy Nhơn, hàng ngày có trung bình từ 5 - 7 tàu hàng tải trọng lớn ra vào bốc dỡ hàng hóa, nhưng hiện nay các tàu đều tạm ngừng lưu thông do luồng lạch bị tắc. Từ chiều 7.11, bộ phận kỹ thuật của Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn tiến hành khảo sát để có hướng dẫn và cho phép một số tàu hàng đủ điều kiện có thể ra vào cảng, giảm thiệt hại cho chủ tàu hàng”, ông Vương cho biết.
Ông Nguyễn Điền, Trưởng phòng khai thác Công ty Biển Bắc, đại diện tàu vận tải Biển Bắc 16 đang bị chìm giữa phao số 3 trên vùng biển Quy Nhơn, cho hay: Hiện nay, Công ty đã liên hệ với đơn vị trục vớt là Công ty TNHH Bảo Trân để cùng phối hợp với công ty, đơn vị bảo hiểm xây dựng phương án trục vớt tàu trong thời gian sớm nhất. Bởi lẽ trên tàu còn hơn 10.000 lít dầu nhiên liệu, nếu không có biện pháp trục vớt kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với Cảng vụ Quy Nhơn, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ quốc gia, nhanh chóng thực hiện phương án trục vớt tàu, ngăn chặn tình trạng dầu tràn trên biển. Hiện tại, trên vùng biển Bình Định chưa ghi nhận sự cố tràn dầu, do vậy phải nỗ lực trục vớt ngay các tàu bị chìm để phòng tránh sự cố và cũng là để thông luồng lạch nhằm giúp các cảng biển hoạt động trở lại.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (thứ hai, từ phải sang) trao đổi với thuyền trưởng tàu Cửu Long 09 về công tác cứu hộ, cứu nạn.
Tập trung xử lý sự cố, sớm trục vớt tàu
Sáng 7.11, ngay sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về các biện pháp khắc phục bão số 12, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã đi thị sát và chỉ đạo công tác trục vớt tàu chìm tại vùng biển Quy Nhơn. Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, tình hình thiệt hại của các tàu hàng bị chìm là rất nghiêm trọng. Do vậy, công tác trục vớt phải tiến hành khẩn trương vì liên quan đến an ninh và hoạt động hàng hải ra vào các cảng Quy Nhơn, Thị Nại, Tân Cảng.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, công tác khắc phục sự cố tàu gặp nạn phải khẩn trương, kịp thời nhưng đảm bảo tuyệt đối an toàn cho con người và vấn đề môi trường. Trước mắt, các đơn vị chức năng khảo sát các mức độ hư hại, nguy cơ tràn dầu để ưu tiên xử lý. Kết quả cho thấy đây là các tàu máy, không có tàu vận chuyển dầu. Trung tâm ứng phó sự cố dầu tràn - Cục 3 đã đưa lực lượng chức năng, phương tiện đến Quy Nhơn. Địa phương và các cơ quan chức năng phải thấy đây là trách nhiệm cao nhất của mình.
Trao đổi với PV Báo Bình Định, Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trực tiếp chỉ huy lực lượng tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn các tàu bị chìm trên vùng biển Quy Nhơn, cho biết: Chiều 7.11, Ủy ban tổ chức cuộc họp với các chủ tàu, cơ quan bảo hiểm, Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn và các đơn vị chức năng nhằm cụ thể hóa các phương án khắc phục, trách nhiệm các bên đảm bảo quy trình, nhanh chóng nhất. Phương án đưa ra là trước khi tiến hành trục vớt sẽ hút dầu ra khỏi khoang máy các tàu, tiến hành quây phao, khoanh vùng để ngăn ngừa sự cố tràn dầu. Trước mắt, để đảm bảo thông luồng hàng hải, cơ quan chức năng sẽ tiến hành đặt các phao cảnh báo tại các vị trí tàu bị chìm để báo hiệu và cố gắng thông luồng lạch ra vào cảng trong thời gian sớm nhất.
Bài và ảnh: NGUYỄN HÂN