Tan tác “làng” tôm hùm Nhơn Hải
Chỉ sau một đêm mưa gió cuồng nộ, biển động dữ dội, sóng biển cao từ 3 - 4m, cơn bão số 12 đã cướp đi hầu hết vốn liếng của bà con ngư dân nuôi tôm hùm ở vùng biển Nhơn Hải, TP Quy Nhơn.
Bè nuôi tôm của ngư dân Nhơn Hải bị sóng đánh dạt vào gành đá hư hỏng nặng.
Sạch vốn sau một đêm
Từ trung tâm xã Nhơn Hải, vượt qua con đường đất sét lởm chởm đá bị xói lở do mưa lớn nhiều ngày, chúng tôi tìm về thôn Hải Giang. Bà con ngư dân nuôi tôm ở đây vẫn đang lặn hụp dưới biển để tìm những lồng nuôi tôm hùm còn sót lại sau bão. Một số người đang thu dọn những “tàn tích” trên bãi biển.
Ông Nguyễn Văn Lùn, ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, nghẹn ngào nói: “Gia đình tôi đầu tư trên 700 triệu đồng thả nuôi 1.500 con tôm hùm, trong đó có hơn 100 con tôm nuôi đã được 10 tháng, số còn lại được 4 - 5 tháng. Giờ hầu như cả vốn liếng lẫn công cán đều mất sạch; bè nuôi, lồng nuôi, xuồng máy bị sóng đánh bể nát, trôi tấp, tìm kiếm mấy bữa nay mới lấy lại được 3 lồng nuôi với 300 con tôm còn sót lại”.
Vẻ mặt mệt nhọc, ánh mắt đượm buồn, ông Nguyễn Minh Nam, cũng ở thôn Hải Nam, than thở: “Mất sạch rồi! 10 lồng tôm với 1.200 con tôm nuôi được 6 tháng, trọng lượng 2 - 3 lạng giờ theo sóng nước, bè nuôi cũng trôi mất, thuyền cũng bị chìm, hơn 700 triệu đồng đầu tư vô đó đã bị sóng biển cuốn đi hết rồi”.
Bà Trần Thị Trang thì rơm rớm nước mắt: “Đợt này bà con nuôi tôm tổn thất nặng lắm. Riêng gia đình tui đầu tư hơn 1 tỉ đồng thả nuôi 1.200 con tôm trong 17 lồng nuôi, đến nay tôm đạt cỡ 6 -7 lạng. May mà cũng còn được 10 lồng, thiệt hại cũng ít hơn bà con khác trong xã. Hiện gia đình vẫn tiếp tục tìm kiếm những lồng nuôi đã bị mất, mong sao gỡ gạc được chút ít”.
Cũng lâm vào tình cảnh trắng tay sau bão, bà Mã Thị Thể, ở thôn Hải Đông, thẫn thờ: “Gia đình tôi đầu tư hơn 1,1 tỉ đồng thả nuôi 1.400 con tôm tại khu vực đảo Hòn Khô lớn, tôm lớn cỡ 3 - 4 lạng, trong đó có 100 con tôm thịt cỡ 1 kg. Có ngờ đâu thiên tai xảy ra, chỉ trong một đêm mà trở thành tay trắng. Sau đêm bão vô, đứng trước bãi biển nhìn ra chẳng thấy bè nuôi tôm của mình ở đâu mà chỉ toàn sóng biển cuồn cuộn, cả nhà chỉ biết nhìn nhau khóc”.
Anh Nguyễn Văn Sáng, ở thôn Hải Bắc, thả nuôi trên 700 con cá các loại cũng bị sóng cuốn trôi, thiệt hại gần 100 triệu đồng. Anh Sáng bùi ngùi: “Cả bè nuôi, lồng nuôi, các loại cá bóp, cá cam, cá bè, cá mú… nuôi từ đầu năm đến giờ đã lớn, tôi dự tính cuối tháng sẽ xuất bán, ai ngờ mất hết sạch”.
Bà con nhặt nhạnh những gì còn sót lại trên bãi biển Hải Giang.
Mong được hỗ trợ tái sản xuất
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Nhơn Hải, bão số 12 đã gây thiệt hại rất lớn đối với địa phương. Trong đó, có 6 ghe thuyền bị chìm, nhiều nhà cửa, trường học bị tốc mái. Toàn xã có 70 hộ nuôi 39 bè tôm hùm thương phẩm với số lượng 60.000 con; đã có 25 bè bị trôi mất; 7 bè hư hỏng, trôi tấp; ước tính tổng thiệt hại về tôm nuôi 10,8 tỉ đồng, thiệt hại về bè nuôi tôm trên 800 triệu đồng.
Ông Ngô Đức Tình, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: Hiện nay do nước biển còn đục nên bà con ngư dân gặp khó khăn trong việc lặn tìm lồng nuôi tôm bị chìm. UBND xã đang tiếp tục theo dõi, nắm bắt thông tin để thống kê thiệt hại cụ thể. Xã cũng đã liên hệ với các xã, phường: Nhơn Châu, Hải Cảng, Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) và xã Xuân Hải (huyện Sông Cầu, Phú Yên) để khi phát hiện tài sản lồng, bè tôm của ngư dân Nhơn Hải trôi tấp đến địa phương bạn thì kịp thời phối hợp can thiệp giữ gìn tài sản của bà con. Hầu hết vốn đầu tư nuôi tôm, ngư dân đều vay ngân hàng, nên bà con rất mong được hỗ trợ để tiếp tục tái đầu tư sản xuất, có như vậy mới có điều kiện trả được nợ vay. Để giảm bớt gánh nặng của bà con, xã đề xuất Nhà nước quan tâm, có chính sách giãn nợ cho ngư dân. Bên cạnh đó, xã cũng tích cực tuyên truyền, động viên người nuôi tôm trước mắt tự khắc phục, sửa chữa lại lồng bè….
Ông Phan Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế TP Quy Nhơn, cho biết: “Hiện tại, UBND thành phố đang tích cực phối hợp với các địa phương thống kê thiệt hại do bão số 12, nỗ lực triển khai các giải pháp khắc phục. Về thiệt hại của người nuôi tôm xã Nhơn Hải, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, thống kê cụ thể để có giải pháp hỗ trợ cho ngư dân”.
Bài và ảnh: NGỌC NHUẬN