Ðể không mãi là tiềm năng
Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL, từ đầu năm đến nay, phong trào TDTT trong tỉnh đã có nhiều khởi sắc, 3 giải thể thao và 25 hội thao cấp tỉnh đã được tổ chức. Các chỉ số về TDTT quần chúng của tỉnh đạt con số khả quan, cụ thể có 29,3% người dân tập TDTT thường xuyên, 19,02% hộ gia đình đạt tiêu chí gia đình thể thao, 100% trường học thực hiện TDTT nội khóa, 65% trường học thực hiện TDTT ngoại khóa, có 570 CLB TDTT cơ sở.
Đối với thể thao thành tích cao, Trường Năng khiếu TDTT, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định tiếp tục tuyển chọn và đào tạo 361 VĐV các môn điền kinh, võ cổ truyền, võ sanshou, boxing, judo, taekwondo, cờ vua, cờ tướng, bơi lội, cầu lông, bóng bàn, bóng đá… Thể thao Bình Định đã cử trên 140 VĐV thuộc các đội tuyển tham gia thi đấu 17 giải trẻ, giải quốc gia và quốc tế, đoạt 58 huy chương các loại (trong đó 28 HCV, 15 HCB, 15 HCĐ).
Qua những con số thống kê trên, có thể thấy thể thao Bình Định vẫn giữ kết quả tốt đối với những môn truyền thống và thế mạnh, đồng thời nâng cao các chỉ số TDTT quần chúng. Tuy nhiên, đến nay, việc phát triển và nâng tầm một số môn thể thao quần chúng để phát triển lên thể thao thành tích cao vẫn là bài toán nan giải với ngành TDTT. Tại tỉnh ta, các môn karatedo, cầu lông, bóng bàn, vovinam, bóng chuyền… phát triển mạnh về phong trào, mức “phổ cập” cao, thậm chí được đánh giá có tiềm lực mạnh trong khu vực miền Trung và trên bình diện cả nước. Có thể thấy rõ điều này qua số lượng VĐV và người dân của tỉnh tham gia tập luyện. Đặc biệt, các môn bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn được đưa vào nội dung thi đấu của nhiều hội thao, giải đấu cấp ngành, khu vực, cụm thi đua trong tỉnh.
Mặc dù mạnh về phong trào, nhưng nhiều môn thể thao ở tỉnh ta vẫn chỉ dừng lại mức tiềm năng. Theo nhiều HLV, việc một số bộ môn chưa phát triển lên thể thao thành tích cao là điều khá đáng tiếc. Có nhiều cái khó như nhân lực, vật lực, kinh phí, công tác xã hội hóa, quy trình và hướng đi có hệ thống. Trên thực tế, nhiều bộ môn đã đưa ra đề án phát triển lâu dài theo hướng chuyên nghiệp hóa nhưng đến nay vẫn chỉ nằm… trên giấy; bởi những bất cập bấy lâu nay ai cũng “biết, nghe, thấy”, song hiện thực hóa nó vẫn là một quá trình lâu dài. Nếu đặt câu hỏi khi nào thực hiện được các đề án đó, chẳng mấy ai dám mạnh dạn trả lời.
Vẫn biết rằng thể thao Bình Định định hướng đầu tư cho một số môn trọng điểm, không dàn trải, nhưng nếu có hướng đi và cách tiếp cận mới, biết đâu trong tương lai, Bình Định lại có những “mỏ vàng” từ cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn, karatedo, vovinam…
MỘC LAN