Chương trình nâng cao kỹ năng sống cho người mù:
Ươm mầm những giấc mơ
Ðến nay, đã có 50 người mù trên địa bàn tỉnh trải qua lớp nâng cao kỹ năng sống của Hội Người mù tỉnh. Kéo dài trong 4 tháng, khóa học đã trang bị cho học viên những kỹ năng căn bản để hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Nhiều người mù đã tin yêu nhiều hơn vào cuộc sống, nhiều ước mơ tươi tắn được ươm mầm từ lớp học này.
Những ngày rất khác
1 năm sau ngày hoàn thành khóa học nâng cao kỹ năng sống do Hội Người mù tỉnh tổ chức, một ngày mới của chị Lê Thị Tám - 35 tuổi, ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước bắt đầu thật khác. Sau khi chuẩn bị thức ăn cho hai con, gửi con cho người thân, chị dò gậy ra trạm xe buýt để đến lớp dạy chữ Braille của Hội Người mù huyện Tuy Phước.
Chị Tám là một trong số 10 học viên của khóa đầu tiên trong chương trình dạy kỹ năng sống do Hội Người mù tỉnh tổ chức. Kết thúc khóa học, chị và anh Ngô Xuân Soạn - 47 tuổi, ở phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn - là hai học viên nổi bật nhất được chọn cử đi bồi dưỡng ở Hà Nội và trở thành những giáo viên dạy chữ Braille nòng cốt của Tỉnh hội. Chị Tám bảo đến giờ vẫn chưa hết bất ngờ khi được cử đi học và trở thành giáo viên.
“Lớp nâng cao kỹ năng sống dành cho người mù đã khiến tôi lạc quan, tự tin hơn. Nhưng hơn hết, chính từ lớp học, tôi còn có thêm cơ hội để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Nói là đi dạy nhưng thực chất tôi đang truyền lại những kinh nghiệm của mình trong những ngày chập chững đến với chữ Braille. Vậy nên, được cầm tay từng người một để dò chữ rồi chia sẻ với nhau những vui buồn trong cuộc sống… khiến mỗi ngày của tôi trong 4 tháng qua thật ý nghĩa”, chị Tám chia sẻ.
Năm 2008, một tai nạn làm mất đi đôi mắt và biến dạng khuôn mặt đã khiến anh Phan Đình Việt - 31 tuổi, ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn - không thiết sống và tự thu mình lại. Nhưng 5 năm sau, anh cũng đã bắt đầu cuộc sống mới. Không còn những ngày lẩn quẩn ở góc nhà, anh đã được làm việc, nhận lương, gặp gỡ với nhiều khách hàng và nhận được lời động viên của họ - điều mà anh chưa bao giờ dám nghĩ đến khi mất đi đôi mắt. Hiện tại, anh đang làm việc cho một cơ sở massage bấm huyệt ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
“Tôi đã biết cười nhiều hơn kể từ sau ngày đến lớp kỹ năng sống. Quan trọng hơn là tôi thấy mình muốn sống, khi biết mình còn có thể làm được nhiều thứ. Hằng tháng, tôi gửi về nhà 2 triệu đồng để phụ gia đình nuôi con gái 12 tuổi. Chữ Braille giúp tôi ghi chép, quản lý ngày công của mình. Những kiến thức về phục hồi chức năng ngày nào giờ giúp tôi mạnh dạn đi lại trên phố”, anh Việt phấn khởi tâm sự.
Đó chỉ là 2 trong số 10 gương mặt của lớp nâng cao kỹ năng sống khóa 2012. Gặp lại họ 1 năm sau ngày rời lớp, thấy cuộc sống của họ đã có thêm nhiều màu sắc. Những người chưa từng dám ước mơ, hay có những ước mơ dang dở như được tiếp thêm sức mạnh để lại tiếp tục nuôi khát vọng sống như bao người bình thường.
Vững tin vào ngày mai
“Lớp nâng cao kỹ năng sống dành cho người mù đã khiến tôi lạc quan, tự tin hơn. Nhưng hơn hết, chính từ lớp học, tôi còn có thêm cơ hội để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ”
Chị LÊ THỊ TÁM - 35 tuổi, ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước
“Khóa đầu tiên của lớp nâng cao kỹ năng sống dành cho người mù của Tỉnh hội đã kết thúc với những kết quả rất khả quan: 2 học viên trở thành giáo viên dạy chữ Braille, 1 học viên là thành viên của Ban Chấp hành Hội Người mù huyện Hoài Nhơn và 7 học viên trở thành kỹ thuật viên massage bấm huyệt có thu nhập tương đối. Từ những kết quả ấy, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương Hội, UBND tỉnh và các địa phương, Hội Người mù tỉnh tiếp tục mở 4 lớp mới (10 học viên/ lớp) trong năm 2013 tại TP Quy Nhơn, Tuy Phước và Hoài Nhơn. Các học viên đã được học chữ Braille, phục hồi chức năng và định hướng nghề”, ông Huỳnh Bá Tuyết, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, cho biết.
Kết thúc lớp học nâng cao kỹ năng sống đã hơn 1 tuần, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm - 26 tuổi, ở thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước - vẫn chưa hết bùi ngùi, lưu luyến. 4 tháng gắn bó với lớp, với những người chung cảnh ngộ, chị Tâm học được nhiều điều. Nghe về những điều họ đã làm được, chị nhận ra, người mù còn làm được nhiều việc lắm nếu biết cố gắng, nỗ lực. Và chị bắt đầu thay đổi mình mỗi ngày. Người thân đã thấy chị thôi bỏ chạy khi nghe người lạ đến nhà, càng vui hơn khi chị chủ động bắt chuyện với khách.
Những học viên tại lớp học được tổ chức ở TP Quy Nhơn cũng đang trải qua những ngày cuối cùng của khóa học. Ở đó, dù còn lắm những ngổn ngang của chặng đường sau ngày bế giảng, nhưng phần lớn họ đều tràn đầy hy vọng. Như anh Phan Văn Thanh - 42 tuổi, ở phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn - chia sẻ: “Trước tôi, một chị cùng địa phương đã tham gia lớp học và có nhiều thay đổi trong cuộc sống. Sau gần 4 tháng, tôi đã được bổ trợ thêm nhiều kỹ năng, thêm dạn dĩ, nỗ lực vươn lên, hoàn thiện mình để tin rằng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Tôi sẽ tiếp tục thực hành và học hỏi thêm để kiếm được việc, tự nuôi mình”.
NGUYỄN MUỘI