Nguyễn Phong Việt - người trò chuyện
BÁ PHÙNG
Tôi đọc thơ Nguyễn Phong Việt lần đầu do một người bạn giới thiệu, đâu chừng vào quãng năm 2006, 2007 gì đó. Thời điểm chính xác cũng không quan trọng lắm. Trên trang chat, cô bạn Hà Nội háo hức, hồ hởi, hân hoan share cho tôi một bài thơ của một giọng thơ mới - theo cô!
Tôi đọc và thích vì thấy giọng thơ Việt giống Lê Văn Ngăn. Tôi thích thơ Nguyễn Phong Việt ngay.
Tôi rất thích thơ Lê Văn Ngăn. Thơ Lê Văn Ngăn với tôi là những dòng văn xuôi giàu nhạc điệu, đậm chất tâm tình. Thơ anh cũng như con người anh, cả hai nối với nhau như bầu trời với mặt đất, liền lạc mà không thấy đường may, trong sáng và bình dị vô ngần. Tôi đọc và thích vì thấy giọng thơ Việt giống Lê Văn Ngăn. Tôi thích thơ Nguyễn Phong Việt ngay, chính xác là bài thơ ấy ngay - bài “Chỉ có những chiếc lá mới biết”. Tôi thích cách anh trò chuyện: Thỉnh thoảng chúng ta đứng trong buổi chiều bình yên/giữa thành phố xa lạ/ và tự hỏi giá như có thể/ chọn lựa làm một chiếc lá vàng chạm đất/ hay xanh tươi mãi trên đầu ngọn gió/ chúng ta sẽ chọn lựa ra sao?
Chúng ta nên làm một người bình thường hạnh phúc, hay làm một kẻ bất tử trẻ mãi không già? Từ xa xưa, rất nhiều triết gia, rất nhiều nhà văn, thi sĩ… đã đặt ra luận đề này. Nguyễn Phong Việt gởi ẩn ý dưới hình ảnh chiếc lá. Nếu chúng ta là một chiếc lá vàng, nghĩa là chúng ta có cả một trải nghiệm, một vòng tuần hoàn buồn vui khổ đau hạnh phúc và… chạm đất. Nếu là một chiếc lá xanh tươi mãi mãi trên đầu ngọn gió, ta sẽ chỉ mãi thế và mãi thế mà thôi. Tứ thơ được Nguyễn Phong Việt mở ra thành một cuộc trò chuyện trầm lắng, thú vị!
***
Sau đó ít lâu, Nguyễn Phong Việt gây nên một cơn sốt nhỏ khi tập thơ “Có bao nhiêu người đi qua thương nhớ mà quên được nhau?” (2013). Tính riêng về thơ, đến nay vẫn chưa tập thơ nào phá được kỷ lục phát hành của tập thơ này. Rồi anh lần lượt cho ra đời các tập: Nếu cuộc đời suôn sẻ nước mắt còn biết dành cho ai?, Như một dòng chảy ngược, sinh ra để cô đơn!, Mình làm một đứa trẻ cho con người nhẫn tâm! Có tập 4 - 5 ngàn bản, có tập in tới 10 ngàn bản. Giữa lúc người ta in thơ ra phần nhiều để tặng, vậy mà tập thơ nào của Việt cũng được đón nhận nồng nhiệt, tiêu thụ rất tốt, lập những kỷ lục đem lại niềm an ủi cho người làm thơ. Thì đó cũng là một chuyện đáng mừng chứ!
Nhiều người khen ê kíp xuất bản các tập thơ của Việt làm việc tốt, hiển nhiên rồi. Từ trình bày bìa, ruột cho đến tiếp cận thị trường, quảng bá thông tin, tổ chức bán hàng… tất cả đều rất chuyên nghiệp. Nhưng nếu chỉ có vậy, cũng chỉ thu hút bạn đọc 1-2 lần thôi, chứ không giữ bạn đọc lâu được. Vậy bạn đọc tìm thấy gì trong thơ của Nguyễn Phong Việt?
Tôi nghĩ, điều đầu tiên là khi đọc thơ, ngay lập tức bạn đọc có ngay một người trò chuyện! Ngó vậy chứ chúng ta ngày càng ít trò chuyện và thiếu người trò chuyện, mặc dù chúng ta kết nối và có nhiều thông tin hơn. Thơ Nguyễn Phong Việt mềm mại tạo ra nhu cầu này!
Như tôi đã viết ở trên, thơ của Việt là những cuộc trò chuyện. Anh thủ thỉ thù thì, anh vỗ về, anh tâm sự, anh san sớt, sẻ chia. Nếu thấy bạn buồn, Việt sẽ ngồi xuống bên cạnh, nếu bạn cần lặng yên, Việt sẽ lặng yên; nếu bạn cần nhiều hơn, Việt sẽ cầm tay bạn thật ấm! Đôi khi Nguyễn Phong Việt nói một mình, kể một mình mà rất nhiều người vẫn tìm thấy mình trong câu chuyện ấy, thấy đồng cảm và rưng rưng. Bài thơ “Là những khi” là một ví dụ: Là những khi mệt mỏi mà không dám cúi xuống vì sợ đánh rơi một giọt nước mắt/ là những khi cô đơn mà không dám nói ra một lời vì sợ trái tim mình tan nát/ là những khi bình yên mà không biết làm cách nào giữ trên môi một tiếng cười thanh thoát/ là những khi ngơ ngác không biết mình là ai...
Với tôi, từ buổi sơ ngộ, sau nhiều lần đọc thơ Nguyễn Phong Việt, tôi phát hiện giữa những dòng thơ anh, dường như thấp thoáng vài ba khuôn nhạc, ngân nga những giai điệu, tiết tấu nào đó. Cuối cùng tôi cũng nắm bắt được. Đại để mỗi khi lẩm nhẩm thơ anh tôi lại như nghe thấy Khánh Ly hát và thường là những câu tạng như: Người còn đó gieo hạt lúa trên ruộng đất này/ Người còn đó nhưng bơ vơ mắt chong đêm dài/ Ngựa xa rồi, ngựa xa rồi, trên ngày tháng vơi/ Người còn đó, những lời nói rơi về chân đồi/ Người còn đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài/ Nhuộm đất này, nhuộm cho hồng hạt mầm trót vay…(Phúc Âm Buồn, Trịnh Công Sơn). Tương tự “Ru ta ngậm ngùi” cũng là một ví dụ thú vị.
Thật ra, đây không phải là một chuyện mới, hay lạ lẫm gì. Người ta vẫn hay liên tưởng, kết nối văn chương, thi ca với những nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, hoặc kết nối chúng ngẫu hứng với nhau… Có điều này là bởi, trước những hiện tượng, những sự vật, sự việc gây xúc cảm, mỗi nghệ sĩ, mỗi ngành nghệ thuật lại cộng hưởng và có hình thức sáng tạo phù hợp. Chuyện đọc thơ Nguyễn Phong Việt và nghe ngân nga tiếng hát của Khánh Ly trong nét nhạc Trịnh Công Sơn cũng dễ hiểu, không mấy khó giải thích.
Khi nghe thấy giai điệu, tiết tấu của một bài thơ, dẫu là thơ văn xuôi, thì hãy xem đó như là một món quà của riêng mình. Bạn chia sẻ được, niềm vui của bạn sẽ nhân lên, nếu bạn chỉ có thể giữ lấy cho riêng mình, không sao hết, vẫn là một niềm vui trọn vẹn!
Hồi đó, Báo Bình Định có mục “Album mới sáng tác mới”, lần ấy, tôi rất muốn viết một bài cảm nhạc nhân nghe ca khúc “Don’t give up” của Peter Gabriel - Kate Bush. Mất nhiều lần dập xóa trên bàn phím máy tính, mà vẫn không biết cách mở lời như thế nào cho ngọt. Tôi để đấy, tới giá sách và nhặt hú họa một cuốn để đọc, thời may làm sao, đó lại là thơ của Nguyễn Phong Việt. Tôi đứng đâu trong cuộc đời nay/ khi ngày nào dông bão cũng bủa vây/ ngày nào tiếng thở dài cũng trở về như những đám mây/ ngày nào trái tim cũng hỏi một câu hỏi - bao giờ hết đắng cay? Tôi đã nhìn thấy người từ nơi chốn đây…(Đã nhìn thấy người từ nơi chốn đây). Có một sự lay động, một sức cộng hưởng tình cờ rất cao giữa bài thơ và ca khúc, chúng nâng nhau lên và thắp cho tôi một que diêm. Đọc xong bài thơ, tôi lặng lẽ đến bên máy tính bổ phăm phăm bài cảm nhạc, mà đến giờ, sau nhiều năm, đọc lại tôi vẫn rất hài lòng.
“Don’t give up” là một ca khúc dài, buồn thăm thẳm và chất chứa những nỗi đớn đau. Nhưng may mắn làm sao, bài hát kết thúc không phải với niềm tuyệt vọng. Người nghe muốn và đã hình dung cảnh kẻ thất bại tìm thấy một chỗ dựa, một đôi bàn tay ấm, một tấm lòng để có chỗ trú ẩn. Đó là điều không có trong ca từ, không có trên khuôn nhạc. Nhưng nó chính là dấu lặng bắt đầu ấm trên môi ta, mà nếu lắng nghe, nhất định ta sẽ thấy!
Chúng ta đã dành thì giờ quá nhiều cho việc lướt net, để thông tin hút ta đi vào cơn xoáy dữ dội. Bạn thân mến, bạn có thể dừng việc bấm bấm một chút trên máy tính bảng, trên điện thoại thông mình không? Xin cảm ơn vì bạn đã dừng lại. Đọc một bài thơ thì không tốn nhiều thời gian lắm đâu! Vì chúng ta cần xác tín mình là con người, xin bạn vui lòng cầm lên tay một bản in.
Bạn của tôi, bạn đã đọc thơ Nguyễn Phong Việt chưa? Nếu chưa, thì hãy tin tôi, thử đọc đi. dù bạn là ai, ở lứa tuổi nào, đang buồn vui hay thất vọng, tin rằng bạn cũng thấy ở đó lời thì thầm của một người bạn chân thành. Có thể ngay sau đó bạn sẽ bật lên câu hỏi, bao nhiêu lâu rồi mình không thật sự trò chuyện với bạn bè, lần cuối cùng lòng ta thấy ấm lên bởi những nụ cười thật chứ không phải những emotion là khi nào? Bạn sẽ muốn nói lên lời cảm ơn, xin lỗi, bạn sẽ muốn nói con yêu ba mẹ lắm, anh yêu em và ngược lại!
B.P
BÀI CÓ LIÊN QUAN:
Ca khúc Phúc Âm Buồn
Bài Nếu lắng nghe ta sẽ tìm thấy nhau
MỘT SỐ BÀI THƠ CỦA NGUYỄN PHONG VIỆT:
CHỈ CÓ NHỮNG CHIẾC LÁ MỚI BIẾT
Có những năm tháng của chúng ta
rơi theo mùa lá trước hiên nhà
rơi không chạm đất
để những cuộc hồi sinh chưa bao giờ có thật
thì làm thế nào biết chúng ta trưởng thành hay mãi mãi trẻ con?
Thỉnh thoảng chúng ta đứng trong buổi chiều bình yên
giữa thành phố xa lạ
và tự hỏi giá như có thể
chọn lựa làm 1 chiếc lá vàng chạm đất
hay xanh tươi mãi trên đầu ngọn gió
chúng ta sẽ chọn lựa ra sao?
Có những mùa lá trước hiên nhà
theo năm tháng của chúng ta rơi về đâu
những chiếc lá vừa xanh non đã lìa cành
những chiếc lá sống đến úa vàng rồi rơi chạm đất
những chiếc lá vừa chớm niềm vui đã nhìn ra mất mát
những chiếc lá mà khổ đau song hành cùng hạnh phúc…
có ai biết?
Đôi khi chúng ta ngồi lại với bóng của mình
ngay giữa đám đông vội vã nhìn nuối tiếc
chọn lựa làm một chiếc lá giữa nắng mưa hay nép vào một góc nhỏ
theo năm tháng của chúng ta rơi thật mau
không kịp nhớ mình đã sống
những chiếc lá chưa bao giờ mọc ra
làm sao biết cảm giác chạm đất
những chiếc lá chưa bao giờ đi qua những ngày mưa
làm sao biết cảm giác của một tia nắng
những chiếc lá chưa bao giờ thật sự úa vàng
làm sao biết cảm giác của úa vàng (đã sống trọn một đời lá…) không hề là cay đắng…
làm sao biết cảm giác của tất cả những điều này?
Lúc nào đó chúng ta muốn rẽ ngang con đường đang bước đi
ngay khi hình dung về đích đến
chọn lựa làm một chiếc lá đúng nghĩa một chiếc lá hay một chiếc lá không có gì để nhớ
Có những năm tháng của chúng ta rơi theo mùa lá trước hiên nhà
Nhìn- đẹp- biết- bao…
(còn chuyện chúng ta có chấp nhận trả giá để rơi chạm đất
có lẽ chỉ những chiếc lá mới biết….)?
LÀ NHỮNG KHI
Là những khi mệt mỏi mà không dám cúi xuống vì sợ đánh rơi một giọt nước mắt
là những khi cô đơn mà không dám nói ra một lời vì sợ trái tim mình tan nát
là những khi bình yên mà không biết làm cách nào giữ trên môi một tiếng cười thanh thoát
là những khi ngơ ngác không biết mình là ai...
chúng ta đến trong cuộc đời và điều đầu tiên xin từ chối là những đắng cay
bản năng đâu dạy cho con người biết yêu thương những mất mát
nên đi qua một bình minh thì cảm ơn một bình minh vừa tắt
đi qua một ngày mưa thì cảm ơn một ngày mưa nhiều mây xám
sống như mong muốn sống thật lòng!
Cứ đưa bàn tay ra mà không cần biết ai đó nắm được không
sẽ thấy mình sao tự nhiên gần gũi quá
mặc những người thân quen cố giấu vào trong sự xa lạ
hay người xa lạ cố giấu vào trong những nghi ngờ vội vã
có khác gì nhau...
Nhưng những vết thương thật sự chỉ đến từ phía sau
lúc nhìn thấy người ta cần trong đời bằng một cái nhìn lén
lúc gương mặt ta tin sẽ mang đến trong đời ta hạnh phúc đã nhìn về một hướng khác
lúc tình yêu của một con người ta yêu giờ được một người không phải ta giữ chặt
thì biết phải làm sao?
Để rồi có những khi đớn đau mà không dám làm phiền đến lòng bao dung một chút nào
rồi có những khi lặng im xem như lòng mình đã chết
rồi có những khi ngồi mãi bên hiên nhà như một người lữ khách
rồi có những khi cứ mong cuộc đời chỉ toàn là đêm trắng
để dần sẽ quen...
Chúng ta đã bước đi trong cuộc đời và tiếp nhận những đổi thay
sao vẫn muốn tin tình yêu là bất biến
mỗi phút giây đi qua có biết bao nhiêu lần là những cuộc đưa tiễn
vậy mà cả quãng đời đi qua ta đứng hoài trong phần đời hối tiếc
không nỡ rời xa...
Chỉ là bão dông đó là thứ chúng ta phải trải qua
khóc một lần rồi thêm một lần nữa
mất một lần rồi thêm một lần mất hơn như thế
không sớm thì muộn thôi...
Có khi hãy để cho cuộc đời vay trước chúng ta những niềm vui!
VỀ ĐÂU NHỮNG VẾT THƯƠNG
Về đâu những vết thương
khi chúng ta chỉ mong muốn sống một cuộc đời bình thường
Một cuộc đời mà chỉ cần đi cạnh nhau trên cùng một con đường
nghe lòng mình tựa vào nhau ấm áp
nắng sớm hay mưa khuya đều mỉm cười thanh thoát
chuyện gì cũng có thể quên hết
ngoài niềm thương...
Chúng ta ngồi ở đâu đó và nói về nỗi buồn
rồi người này người kia lau cho nhau nước mắt
ai cũng phải đánh đổi điều gì đó để đạt được điều mình tha thiết
nha là rong rêu trong dòng nước
nhìn thấy mất mát từ cằn khô...
Những năm tháng còn lại chúng ta dành cho những bữa cơm với chén đũa xếp cạnh vui đùa
mình chỉ lo mình giành nhau cười nói
uống một tách café trong một đêm nào rồi thức trắng đêm nông nổi
yêu thương cả tiếng thở mình thở ra vào ngày yếu đuối
sao thế giới này cô đơn quá đỗi
ngay cả khi mình có nhau...
Có những lúc biết rằng chúng ta nhường nhịn từng nỗi đau
lần trở bệnh úp mặt vào người này người kia rồi ngủ vùi không hay biết
chúng ta chẳng còn nói giá như... vì ngày mai cuối cùng cũng phải đến
sẽ được làm cùng nhau những gì để không còn hối tiếc
mình có nhiều thật nhiều thời gian phía trước
mình có một ngôi nhà...
Chỉ cần đi cạnh nhau trên cùng một con đường thì dù có bao xa
trong lòng vẫn hoài tin rồi sẽ đến
chúng ta trở thành những đứa trẻ con suốt đời mong làm người lớn
không bao giờ chạy trốn
nếu đó là yêu thương...
Sống một cuộc đời bình thường
thì còn đâu những vết thương?
NGƯỜI CÓ LẠNH KHÔNG?
Người có lạnh không
khi giữ lại bao nhiêu khoảng trống ở trong lòng?
Những sớm mai chưa bao giờ thôi hết chờ mùa đông
cứ thấy mình bình yên khi trong tay là cách café nóng
trốn cảm xúc của trái tim trong từng lớp áo ấm
vì ngại một cuộc đời quá rộng
mà chân mình thênh thang…
Đã cười thật nhiều nhưng khóe mắt chưa bao giờ biết hân hoan
sau lưng của đám đông lại thấy mình lầm lũi
vẫn tưởng rằng bao dung khi ai đó vô tình hỏi
-còn đau không dù chỉ là một lời nói?
mình chỉ mỉm cười…
Nếu luôn phải ước rằng mình thật ra không muốn làm người
sợ rằng trong giấc mơ chỉ toàn là hư ảo
là gió là mây là một hơi thở nồng trên vai áo
rồi một ngày trở thành cơn bão
tự mình tàn phá mình đi…
Trong những khuya thức dậy và không biết sẽ phải làm gì
nghe tiếng kim đồng hồ nhích dần về ngày mới
có bao nhiêu triệu con người cô đơn trong thế giới
muốn một lần được đánh đổi
với người mình yêu thương?
Người có lạnh không?
khi ngoài kia nắng vẫn đổ trên những con đường