Xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn): Cư dân bức xúc vì “vấn nạn”... nuôi yến tự phát
Liên tục gọi điện đến “đường dây nóng” Báo Bình Ðịnh, người dân ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) phản ánh, nghề nuôi chim yến tại địa phương phát triển nhanh “chóng mặt”; đáng nói, hoạt động này diễn ra tự phát, chính quyền địa phương không quản lý nổi. Người dân bức xúc, mệt mỏi khi phải sống trong tiếng ồn phát ra từ các nhà nuôi yến.
Theo thống kê của UBND xã Tam Quan Bắc, toàn xã có khoảng 120 hộ nuôi chim yến; riêng năm 2016 và 10 tháng đầu năm 2017, gần 70 hộ tham gia nuôi mới, tăng gần gấp đôi so với giai đoạn từ năm 2013 - 2015. Xã Tam Quan Bắc được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi yến của huyện Hoài Nhơn, tập trung chủ yếu tại các thôn Tân Thành 1, Tân Thành 2, Thiện Chánh 1... Những nơi này, nhà yến nằm xen kẽ khu dân cư, cạnh trường học, sát trung tâm hành chính xã; âm thanh dẫn dụ yến réo rắt suốt ngày, khiến nhiều người inh tai, nhức óc.
Một căn nhà được xây dựng kết hợp ở và nuôi yến ở xã Tam Quan Bắc.
Thông thường, những căn nhà nuôi yến cao từ 3 đến 4 tầng, tường xây kín mít; trên tường chi chít lỗ thủng làm nơi yến bay ra, vào. Các hộ nuôi yến thực hiện mô hình “2 trong 1” theo kiểu “yến ở tầng trên, người ở tầng dưới”. Để thu hút, dẫn dụ chim yến, các hộ nuôi yến lắp đặt hệ thống âm thanh và mở suốt ngày đêm với tiếng kêu ríu rít nghe rất khó chịu. Thực trạng này phát sinh nhiều vấn đề tiêu cực như: ô nhiễm tiếng ồn, nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng đời sống cộng đồng dân cư…
Bà Trần Thị Chi, người dân ở thôn Tân Thành 1, than thở: “Hầu hết các hộ nuôi yến mở âm thành từ sáng cho tới tối; cả một vùng dân cư rộng lớn suốt ngày ríu rít tiếng chim nên nhiều người cảm thấy đau đầu, tức ngực, nhất là người lớn tuổi. Các hộ nuôi yến chỉ quan tâm tới thu nhập kinh tế của họ chứ không màn đến nỗi khổ sở của những người lân cận”.
Giữa tháng 7.2017, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã diễn ra hội nghị đánh giá thực hiện Thông tư 35 ngày 22.7.2013 của Bộ NN&PTNT quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Hội nghị nhìn nhận, hiện nay chưa xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình dẫn dụ, chăm sóc, vận hành nhà yến, quy trình sơ chế. Chưa có điều tra cụ thể, chính xác về số lượng, tình trạng, cấu trúc, diện tích nhà yến, khó khăn trong quy hoạch vùng nuôi. Một số người nuôi chưa tuân thủ tốt các điều kiện, yêu cầu đặt ra trong Thông tư 35. Do đó, thời gian tới, các sở, ngành liên quan cần xây dựng hệ thống pháp luật trong nghề nuôi chim yến với mục tiêu tập trung sửa đổi, hoàn thiện Thông tư 35 và các chính sách khuyến khích phát triển nghề nuôi yến.
“Hiện nay, nhà yến đã len lỏi đến gần các trường học trên địa bàn xã; tiếng dẫn dụ yến réo rắt cả ngày khiến giáo viên, học sinh không sao tập trung dạy và học. Tôi được biết Nhà nước đã có quy định cụ thể về hoạt động nuôi chim yến như về cường độ âm thanh, thời gian mở âm thanh, khoảng cách với khu dân cư, trường học... Nhưng tại xã Tam Quan Bắc, dường như việc xây nhà nuôi yến diễn ra tràn lan; mạnh ai người đó làm, chẳng quan tâm đến vùng quy hoạch hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp phép”, một giáo viên tiểu học tại xã Tam Quan Bắc, phản ánh.
Bà Huỳnh Thị Tường Vy, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, cho biết: Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn phối hợp với UBND xã tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi yến thực hiện theo Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT ngày 22.7.2013 quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Tuy nhiên thực tế, hầu hết các hộ nuôi yến đều thực hiện không đúng, thậm chí không tuân thủ quy định. Thường người dân xin phép xây dựng nhà ở; sau khi được UBND huyện cấp phép, họ về xây nhà, khi xây tới tầng 3 - 4 thì “cải biến” làm nhà nuôi yến. Khi UBND xã phát hiện thì mọi chuyện đã rồi nên rất khó xử lý; mặt khác, xã cũng không đủ thẩm quyền xử lý đối với các công trình xây dựng. Bởi UBND huyện là đơn vị cấp phép và người dân xây nhà đúng với số tầng đã xin phép.
“Nghề nuôi yến mang lại lợi nhuận khá cao nên nhiều người dân đua nhau nuôi; trong khi đó, chính quyền địa phương không thể cấm bà con nuôi yến mà chỉ dừng ở mức tuyên truyền, nhắc nhở chấp hành đúng quy định. Việc người dân ồ ạt nuôi yến tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi xảy ra dịch bệnh; do đó, bà con nên hết sức cân nhắc đối với nghề này”, bà Vy nhìn nhận.
Còn theo một cán bộ Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, hiện nay, việc quản lý nuôi yến tại xã Tam Quan Bắc nói riêng, toàn huyện nói chung chủ yếu dừng ở việc thống kê, rà soát và nhắc nhở các hộ tuân thủ quy định, đảm bảo công tác vệ sinh thú y. Tuy nhiên thực tế, việc kiểm soát, quản lý gặp rất nhiều khó khăn bởi hầu hết người nuôi yến đều làm tự phát và rất ít chấp hành quy định.
CÔNG LUẬN
Hiện nay tại khu dân cư Bắc Hà Thanh tình hình các hộ xây dựng nhà nuôi chim yến cũng mọc lên như nấm sau mưa, nhưng khi tôi đọc bài viết này thì tôi thất vọng quá. Như vậy người dân của chúng tôi phải sống chung với "lũ" mà không có lối thoát. Gần nhà tôi trong vòng bán kính 50m có đến 3 nhà nuôi yến. Tiếng loa dụ yến phát ra cả ngày lẫn đêm khiến gia đình tôi không thể sống nổi ngay trong chính ngôi nhà của mình. Đó là chưa kể nếu dịch bệnh xảy ra thì người dân chúng tôi phải làm sao. Nếu ở phường, xã, huyện không có chức năng xử lí thì kiến nghị lên tỉnh, xin tỉnh có ý kiến chỉ đạo, chứ để như thế này người dân chúng tôi làm sao sống nổi. Nói như bà Huỳnh Thị Tường Vy, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc Khi UBND xã phát hiện thì mọi chuyện đã rồi. Nói như vậy sao được, hay có uẩn khúc gì ở đây? Đã sai phạm thì buộc phải tháo dỡ. Gần đây, có những công trình ở Hà Nội, Đà Nẵng giá trị lên đến hàng tỉ đồng chính phủ ta còn buộc tháo dỡ được, huống gì những công trình nhỏ nhặt như vậy. Qua đây, tôi cũng mong quý báo sớm có ý kiến lên UBND Tỉnh có hướng giải quyết cho người dân chúng tôi được nhờ. Chứ để đến khi có sự việc gì nghiêm trọng xảy ra thì mới giải quyết hay sao?