Quốc hội lần đầu thảo luận Báo cáo mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 9.11, dưới dự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Đây là lần đầu tiên báo cáo này được đưa ra thảo luận và phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân theo dõi. giám sát.
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã trình bày Báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Theo đó, công tác bình đẳng giới nhìn chung đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, dần trở thành nội dung xuyên suốt trong triển khai hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị-kinh tế-văn hóa- xã hội với nhiều thành tựu nổi bật được quốc tế đánh giá, ghi nhận. Kết quả thực hiện bình đẳng giới trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) và những khuyến nghị của Ủy ban về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (Ủy ban CEDAW). Tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới Báo cáo cho biết, công tác xây dựng thể chế, chính sách về bình đẳng giới có tiến bộ, hệ thống văn bản pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý đảm bảo cho việc thi hành Luật. Công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm thực hiện. Riêng từ năm 2016 đến tháng 9.2017, Quốc hội ban hành 9 Luật, Chính phủ ban hành 4 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 Quyết định, các bộ, ngành ban hành 7 Thông tư quy định các nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay có 10 Luật được các cơ quan chức năng thực hiện thẩm tra lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong tổng số 15 Luật được thông qua. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020-2025 và các chức danh lãnh đạo quản lý cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 và các nhiệm kỳ tiếp theo, trong đó có quy định cán bộ nữ được kéo dài tuổi công tác theo quy định, thời điểm tính độ tuổi quy hoạch như nam giới, các bộ, ngành, địa phương đang triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần tích cực vào việc tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị trong giai đoạn tiếp theo. Công tác truyền truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bình đẳng giới được triển khai rộng khắp từ Trung ương tới địa phương bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, pháp luật về lao động đối với lao động nữ tiếp tục được duy trì tại các bộ, ngành, địa phương nhằm tăng cường nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện bình đẳng giới và chính sách đối với lao động nữ. Các địa phương đã thực hiện sáp nhập, tổ chức lại bộ phận giúp việc cơ quan thường trực bình đẳng giới. Cả nước hiện có 1.089 cán bộ tham mưu làm công tác bình đẳng giới (thuộc ngành Lao động-Thương binh và Xã hội). Hoạt động hợp tác quốc tế về bình đẳng giới được đẩy mạnh. Nhận thức của bản thân phụ nữ về vai trò, vị trí trong gia đình, xã hội đã có nhiều tiến bộ. Ngày càng có nhiều phụ nữ nỗ lực, tự tin vươn lên, khẳng định mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ rõ việc triển khai công tác bình đẳng giới tại một số đơn vị, địa phương còn mang tính hình thức, chưa được quan tâm lồng ghép trong các hoạt động để đạt được hiệu quả mong muốn. Trong tổng số 22 chỉ tiêu của Chiến lược đề ra đến năm 2020, đến nay có 8 chỉ tiêu đã đạt và sẽ duy trì đạt vào năm 2020, 2 chỉ tiêu không đạt, một số chỉ tiêu đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai nhưng không có khả năng thu thập đầy đủ số liệu. Nhiều vấn đề nảy sinh có tác động, ảnh hưởng tiêu cực đối với phụ nữ, trẻ em gái trong đời sống, việc làm, an sinh xã hội, nhất là tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục chưa được quan tâm, giải quyết kịp thời, gây bức xúc trong xã hội... Chính phủ kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, trong đó chú trọng việc phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; đẩy mạnh các hoạt động thẩm tra, giám sát lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các Luật... Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động truy tố, xét xử những tội phạm bạo lực đối với phụ nữ, bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, nhất là đối với những vụ án nổi cộm gây bức xúc trong dư luận, những vụ án tồn đọng, kéo dài. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tới mọi tầng lớp nhân dân và bản thân người phụ nữ; đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, địa phương trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bố trí phân công công tác đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định về bình đẳng giới; hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới. Chính phủ thực hiện rà soát, sửa đổi, điều chỉnh một số chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cho giai đoạn 2015-2020 và Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia phù hợp với thực tiễn, xu hướng phát triển; đẩy mạnh việc huy động nguồn lực trong nước và quốc tế dành cho công tác bình đẳng giới... Đồng thời, Chính phủ triển khai xây dựng, thực hiện các Kế hoạch, Chương trình, Đề án tập trung giải quyết một số vấn đề lớn, gây bức xúc trong xã hội như việc làm, lao động sau tuổi 35 tại các doanh nghiệp, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ, xâm hại trẻ em gái, hôn nhân có yếu tố nước ngoài...; quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ nữ cán bộ tiềm năng, cán bộ làm tham mưu công tác bình đẳng giới; tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới. Nâng cao trí lực - kỹ năng lao động cho nguồn nhân lực nữ Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ; đồng thời đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thúc đẩy việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật; trong quá trình việc xem xét, quyết định ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội; quan tâm khía cạnh giới trong hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật và việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất theo mục tiêu bình đẳng giới. Ủy ban Về các vấn đề Xã hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá tác động giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; bố trí kinh phí và huy động nguồn lực... Trên cơ sở kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chính phủ cần có giải pháp tích cực để nâng cao hiệu quả thực hiện các mục tiêu về nâng cao trí lực-kỹ năng lao động cho nguồn nhân lực nữ; chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong công tác bình đẳng giới nói chung và ở từng lĩnh vực nói riêng; tiếp tục duy trì và tăng cường công tác truyền thông, giáo dục về bình đẳng giới nhằm chuyển đổi hành vi theo những cách sáng tạo và thiết thực nhằm giảm khoảng cách giới trong các lĩnh vực. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới; tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ; tăng cường công tác giám sát và phản biện xã hội về bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)