Thương người như thể thương thân
Từ nhiều năm qua, Hội Ðông y huyện Phù Cát được biết đến như một địa chỉ tin cậy trong công tác từ thiện xã hội.
Tận dụng ưu thế về chuyên môn, Hội Đông y huyện Phù Cát tổ chức rất nhiều hoạt động khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Hầu như năm nào, Hội cũng tổ chức 2 - 3 hoạt động từ thiện như thế. Năm 2011, Hội tổ chức khám bệnh, cấp thuốc tại thị trấn Ngô Mây và xã Cát Chánh cho 300 người, trị giá 26 triệu đồng. Năm tiếp theo, hoạt động này được tổ chức tại xã Cát Chánh, Cát Tiến với số người tham gia hơn 800, trị giá thuốc 25 triệu đồng.
Đến năm 2013, địa bàn hướng đến là 2 làng của bà con dân tộc Bana: làng Gia Trung, xã Cát Sơn và làng Trà Hương, xã Cát Lâm. Đáng chú ý, tại đợt khám này đã phát hiện và chuyển vào BVĐK tỉnh kịp thời 1 ca đau ruột thừa cấp, nhờ đó bệnh nhân được cứu sống. Trong 9 tháng đầu năm 2017, Hội đã khám, phát thuốc, tặng quà cho 800 người dân ở 4 xã Cát Hải, Cát Thành, Cát Khánh, Cát Trinh; tổng giá trị gần 280 triệu đồng.
Bên cạnh đó, từ tháng 9.2013 đến nay, Hội Đông y huyện Phù Cát còn tổ chức khám, cấp thuốc định kỳ vào ngày chủ nhật hàng tuần tại chùa Hoằng Nhơn (xã Cát Nhơn); đến nay đã khám cho 8.000 lượt bệnh nhân, cấp 40.000 thang thuốc, tổng trị giá 1,2 tỉ đồng. Hội còn quan tâm chăm sóc người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi… bằng nhiều hình thức chu đáo, thiết thực.
Trên hành trình vì cộng đồng, bên cạnh tinh thần, nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ Hội và tình nguyện viên, Hội Đông y huyện Phù Cát cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt thành của nhiều nhà hảo tâm. Có thể kể ra nhiều cái tên quen thuộc, đồng hành lâu dài với Hội như Công ty CP Dinh dưỡng thực phẩm Nutifood (TP Hồ Chí Minh), Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định, Công ty Phương Hòa Đường (An Giang), Công ty Ong Xuân Nguyên (TP Hồ Chí Minh)…
Ông Nguyễn Thanh Vân, Chủ tịch Hội Đông y huyện Phù Cát, chia sẻ: “Thương người như thể thương thân là truyền thống bao đời của dân tộc ta. Chúng tôi chỉ là “người bắt cầu”, huy động được sức người, sức của để phát huy truyền thống đó bằng những việc làm gần gũi, thiết thực, để bà con mình đỡ phần vất vả”.
MAI LÂM