Ổn định đời sống và khôi phục sản xuất là nhiệm vụ cấp bách
Trước ảnh hưởng của cơn bão số 12 và mưa lũ diễn biến phức tạp, để lại hậu quả nghiêm trọng, những ngày qua, lãnh đạo tỉnh cùng các ngành chức năng đã kiểm tra tình hình thiệt hại, đồng thời chỉ đạo chính quyền các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.
Công ty CP Giao thông thủy bộ Bình Định khắc phục tình trạng bồi lấp mặt đường trên tuyến ĐT 629 (Bồng Sơn - An Lão). Ảnh: N.HÂN
Thiệt hại nặng nề
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều bị thiệt hại bởi mưa lũ. Riêng tại huyện Hoài Ân, mưa lớn đã làm nước sông Kim Sơn và sông An Lão dâng cao gây ngập lụt trên diện rộng. Toàn huyện có 2.740 nhà dân ở xã Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông, Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Thạnh, Đăk Mang và 1.750 giếng bị ngập; 1 người dân ở thôn Bình Hòa Nam, xã Ân Hảo Đông bị chết; 2 ngôi nhà bị sập, 22 nhà khác bị tốc mái; 78 ha hoa màu hư hỏng; 3.453 con gia súc, gia cầm và 1.520 con heo bị cuốn trôi.
Hệ thống thủy lợi, giao thông trên địa bàn Hoài Ân cũng bị mưa lũ làm hư hỏng nặng, trong đó có 7,1 km kênh mương bị sạt lở, 128 đập tạm, đập bổi bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn, 26 đập dâng bị bồi lấp; hồ chứa nước Mỹ Đức ở xã Ân Mỹ và hồ Kim Sơn ở xã Ân Hữu bị hư hỏng thân tràn, có nguy cơ xảy ra sự cố. Nhiều đoạn bờ sông Kim Sơn và sông An Lão bị sạt lở nghiêm trọng. Các mố cầu: Đá Bạc (xã ĐakMang), Suối Tem (xã Bok Tới), Tân Thịnh (Ân Tường Tây)... bị xói lở. Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính 24 tỉ đồng.
Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc cho biết: Kinh phí để tu bổ, gia cố các công trình thủy lợi, giao thông bị hư hỏng là rất lớn, trong khi ngân sách địa phương hạn hẹp, nhân lực, vật liệu thiếu nghiêm trọng, nên công tác khắc phục đang gặp nhiều khó khăn. Huyện đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để khắc phục tràn xả lũ hồ Mỹ Đức, hồ Kim Sơn, hồ Hóc Sấu bị mưa lũ làm hư hỏng để phục vụ sản xuất, khắc phục các mố cầu bị sạt lở…
Huyện Tuy Phước cũng bị thiệt hại nặng do mưa lũ. Ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Trên địa bàn huyện có 1 người chết; 110 ngôi nhà dân bị sập, 69 ngôi nhà khác bị tốc mái; trên 2.676 hộ dân và 55/57 điểm trường học bị ngập nước. Mưa lũ cũng đã làm vỡ đứt 100 m đê sông Gò Chàm thuộc địa bàn xã Phước Quang; cuốn trôi cầu Huỳnh Đông ở thôn Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa... Tổng thiệt hại ước gần 15 tỉ đồng. Hiện nước lũ ở các xã khu Đông huyện còn lớn, phương tiện đi lại chủ yếu là sõng, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Công tác cứu trợ cho người dân được huyện gấp rút triển khai.
Theo ngành chức năng của tỉnh, bên cạnh việc thống kê và báo cáo tình hình thiệt hại, các địa phương đều đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí, lực lượng, vật tư, giống cây trồng... nhằm giúp các địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt, phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2017-2018.
Nhiệm vụ cấp bách
Những ngày qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ tại nhiều địa phương trong tỉnh và yêu cầu ngành chức năng cùng chính quyền các địa phương xác định việc khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống, sản xuất của người dân là quan trọng nhất, cấp bách nhất hiện nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chỉ đạo: “Trước mắt, các huyện, thị xã, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát công tác cứu trợ, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do lũ lụt gây ra, không để dân bị đói. Đối với các hộ gia đình có người bị chết, bị thương, hộ có nhà bị sập, các địa phương phải trích ngân sách hỗ trợ, đồng thời vận động nhân dân hỗ trợ thêm vật liệu, công lao động để xây nhà ở cho bà con bị thiệt hại. Bên cạnh đó, kiểm tra toàn bộ hệ thống đường giao thông, cầu cống và hệ thống thủy lợi trên địa bàn, công trình nào cấp thiết nhất thì huy động lực lượng tu sửa tạm thời để phục vụ đi lại và sản xuất. Các ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình hỗ trợ chính quyền và nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ”.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở NN&PTNT đã và đang thành lập nhiều tổ công tác phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, thống kê tình hình thiệt hại, xác định mức độ thiệt hại đối với hệ thống thủy lợi; diện tích lúa, hoa màu và diện tích đất sản xuất bị sa bồi thủy phá, trên cơ sở đó xây dựng và thực hiện phương án khắc phục. Trước mắt, vận động bà con nông dân khẩn trương thu hoạch 4.500 ha lúa vụ 3 và lúa gieo khô ở các huyện trung du, miền núi đã chín nhưng bị đổ ngã, nhằm giảm bớt thiệt hại. Phối hợp các địa phương gia cố, xử lý các đoạn đê sông, bờ ngự thủy bị sạt lở, không để sạt lở và vỡ đứt; tu sửa và nạo vét kênh mương nội đồng để dẫn nước phục vụ sản xuất. Đối với những diện tích đất sản xuất bị sa bồi thủy phá, các địa phương huy động lực lượng khắc phục, đưa vào sản xuất.
Sở NN&PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra cụ thể tàu thuyền bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 12 và mưa lũ; hướng dẫn nông dân xử lý môi trường vùng nuôi và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thả nuôi tôm đúng lịch thời vụ...
PHẠM TIẾN SỸ