GDP năm 2018 dự kiến tăng 6,5% - 6,7%
Sáng nay, 10.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018. Có 417 ĐBQH tán thành, bằng 84,93% tổng số ĐBQH.
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018
Theo Nghị quyết, các chỉ tiêu quan trọng năm 2018 như sau:
Các chỉ tiêu chủ yếu
1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5% - 6,7%.
2. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%.
3. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
4. Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%.
5. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33% - 34% GDP.
6. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1% - 1,3%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.
7. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58% - 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 23% - 23,5%.
9. Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 26 giường (không tính giường trạm y tế xã).
10. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%.
11. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 88%.
12. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,6%.
Trong phần giải pháp thực hiện, cơ quan lập pháp xác định: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế... Tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, bảo đảm thanh khoản, kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống, nhất là tín dụng cho vay thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán”.
Nghị quyết cũng khẳng định quyết tâm của Quốc hội trong việc tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém theo nguyên tắc thị trường, không hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; tạo chuyển biến rõ nét trong xử lý nợ đọng tiền sử dụng đất, chống thất thu, trốn thuế, nợ đọng thuế, gian lận chuyển giá, vi phạm pháp luật thuế, phí, lệ phí, thực hiện hóa đơn điện tử; thẩm định chặt chẽ các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư; triệt để tiết kiệm chi ngân sách nhà nước và sử dụng tài sản công, xe công…
Bên cạnh đó, công cuộc cải cách hành chính cũng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, thông qua việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để triển khai các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 và lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khoá XII và Nghị quyết của Quốc hội, nhất là về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển thị trường dịch vụ công, tạo môi trường bình đẳng giữa đơn vị công lập và ngoài công lập.
Đáng lưu ý, một nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết có liên quan đến hoạt động báo chí. Bằng Nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu: ”Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về báo chí; chủ động cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước và những vấn đề dư luận quan tâm”.
Cụ thể, các cơ quan báo chí được giao nhiệm vụ: “Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc hại. Bảo đảm an toàn thông tin; khắc phục kịp thời các sự cố mất an toàn thông tin. Vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật, ý thức thượng tôn pháp luật”.
Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)