TRÊN DIỄN ĐÀN QUỐC HỘI:
Luật Đo đạc và bản đồ cần đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng 10.11, Quốc hội thảo luận tổ về Dự án Luật Đo đạc và bản đồ. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Đức (Đoàn Bình Định) đã kiến nghị một số nội dung cụ thể (ảnh):
Dự án Luật đo đạc và bản đồ được chuẩn bị công phu, các tài liệu kèm theo bảo đảm yêu cầu Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục đánh giá kỹ hơn những ưu điểm, hạn chế của văn bản Nghị định hiện hành để rút bài học kinh nghiệm đưa vào Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm ổn định trong thực tiễn. Dự án Luật dù được chuẩn bị kỹ với yêu cầu chi tiết hóa cao nhất song vẫn còn không ít quy định phải giao Chính phủ hướng dẫn. Ngoài ra, dự thảo Luật quy định nhiều thủ tục mới với các cấp thẩm quyền khác nhau. Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục cụ thể hóa ở mức cao nhất các nội dung này, cần đơn giản hóa các thủ tục, tránh gây phiền hà cho người sử dụng, doanh nghiệp.
Về phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1)
Đề nghị nghiên cứu bổ sung theo hướng: Luật này quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ.
Về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 4)
Dự thảo Luật quy định 5 nguyên tắc tại Điều 4. Đây là những nguyên tắc rất căn bản mà các nội dung trong Luật phải tuân thủ. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực đo đạc và bản đồ có mối quan hệ chặt chẽ với hội nhập, với hệ chuẩn quốc tế, nhất là trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, do đó đề nghị bổ sung nguyên tắc “ Phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Về chính sách của nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 5)
Xuất phát từ nội hàm quản lý nhà nước của mỗi lĩnh vực thì bản thân mỗi văn bản Luật là chính sách của nhà nước đối với hoạt động mà luật điều chỉnh. Hoạt động đo đạc và bản đồ cũng không nằm ngoài cách hiểu đó. Bởi vậy, Dự thảo Luật cần thể chế hóa cụ thể bằng các quy định ưu đãi, ưu tiên về đầu tư phát triển, về đào tạo phát triển nguồn nhân lực, về tiếp cận thông tin… Do đó, đề nghị bổ sung chính sách: khuyến khích tổ chức, cá nhân áp dụng các biện pháp đo đạc và bản đồ phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.
Về tài chính cho hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 8)
Phân định nguồn kinh phí ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho các hoạt động đo đạc và bản đồ như dự thảo Luật còn chưa rõ ràng, rất khó phân định trách nhiệm quản lý nhà nước giữa các Bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương. Thực tế, đây là bài học kinh nghiệm về sự quản lý trùng lặp và chồng chéo làm phân tán nguồn lực, hiệu quả không cao. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định theo hướng rạch ròi hơn nhiệm vụ và nguồn lực bảo đảm tổ chức thực hiện trong thực tế; tránh tình trạng phân định quá rạch ròi lại không có nguồn vốn bảo đảm, ngược lại quy định quá tập trung lại dẫn đến chậm tiến độ như đã từng xảy ra đối với việc quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua. Đồng thời cần bổ sung quy định về xã hội hóa nguồn lực đối với hoạt động đo đạc và bản đồ vào Điều 8 để tranh thủ các nguồn lực khác cho hoạt động đo đạc và bản đồ.
Về chuẩn hóa địa danh (mục 5 Chương II)
Đây là quy định rất quan trọng, tuy nhiên cần xác định cụ thể phạm vi phải chuẩn hóa địa danh Việt Nam và địa danh quốc tế. Ngoài dữ liệu địa lý, bản đồ, cần quy định chuẩn hóa địa danh như thế nào phải được luật hóa cụ thể trong dự thảo luật. Đồng thời đề nghị nên quy định nhiệm vụ chuẩn hóa địa danh thuộc trách nhiệm của Chính phủ (dự thảo Luật quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Ngoài ra, một số đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh còn góp ý về các nội dung khác như: Về sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; về cung cấp dữ liệu đo đạc và bản đồ; về điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ (Chương VII). Về công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ (Chương VIII).
Sỹ Nguyên (tổng hợp)