Gian nan cuộc chiến chống hàng giả
Thời gian qua, mặc dù lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã có nhiều nỗ lực, song tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh còn diễn biến khá phức tạp, nổi lên là tình trạng giả mạo nhãn hiệu hàng hóa…
Nhiều mặt hàng giả mạo
Vào lúc 10g15 phút ngày 26.9.2017, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường (QLTT) Chống hàng giả (Chi cục QLTT) tiến hành khám xét hàng hóa đựng trong thùng carton màu trắng để trước vỉa hè một ngôi nhà trên đường Nguyễn Thái Học - TP Quy Nhơn. Qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện trong thùng carton này chứa 99 chiếc mắt kính hiệu Rayban các loại, tổng trị giá khoảng trên 500 triệu đồng. Toàn bộ số hàng hóa này không có hóa đơn chứng từ kèm theo. Đội QLTT Chống hàng giả đã có hồ sơ báo cáo và công văn gửi Công ty Luật TNHH V.N.I.P đề nghị xác định rõ về lô hàng. Kết quả, Công ty V.N.I.P đã xác nhận: Đây là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Rayban đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Chi cục QLTT tỉnh tạm giữ lô hàng 214 vỏ bình gas để tiếp tục điều tra, xử lý.
Tiếp đó, ngày 24.10, lực lượng Đội QLTT Chống buôn lậu phối hợp với Công an phường Nhơn Phú tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh do ông Trần Minh Quang (SN 1992), trú tại tổ 4, KV 5, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn làm chủ. Qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện tại cơ sở của ông Quang 214 vỏ bình gas, trong đó có 180 vỏ bình mang thương hiệu FUTAGAS (của Công ty TNHH Gas công nghiệp - Khu công nghiệp Phú Tài) và 34 vỏ bình mang thương hiệu Nhật Tiến. Toàn bộ số vỏ bình gas nói trên không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Ngày 30.10, Đội QLTT Chống hàng giả phối hợp với Văn phòng luật sư Phạm và liên danh tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh Lê Thị Kim Loan, trú tại 177 Trần Phú, phường Bình Định, TX An Nhơn. Qua kiểm tra, lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện tại cơ sở này đang bày bán các mặt hàng phụ tùng xe máy mang nhãn hiệu Honda, như: tem Dream, tem Wave, dây curoa, bộ cao su đỡ sên đề, vòng bi, tấm lọc khí… Toàn bộ số hàng hóa này đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda của Công ty Honda Motor Co.LTD.
Cùng thời gian trên, Đội QLTT Chống hàng giả tiến hành kiểm tra tại cơ sở kinh doanh Võ Thị Kim Liên (210 Lê Duẩn, phường Đập Đá, TX An Nhơn), cũng phát hiện cơ sở này đang bày bán các mặt hàng phụ tùng xe máy mang nhãn hiệu Honda, như: tay thắng, chụp bugi, chụp ốp xi-nhan, bọc yên xe, tấm chắn nhiệt… có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda của Công ty Honda Motor Co.LTD…
Cần có chế tài đủ mạnh
Theo lời khai ban đầu của ông Trần Minh Quang, ông chi phí khoảng 30 triệu đồng mua “trôi nổi” số vỏ bình gas nói trên để bán phế liệu (?). Giá bán mỗi vỏ bình gas là 150 ngàn đồng, còn khóa van gas bán 100 ngàn đồng/cái… Tuy nhiên, trước câu hỏi “Những vỏ bình gas còn khá mới sao gọi là “phế liệu” và đơn vị, cá nhân nào sẽ mua những vỏ bình gas nói trên?” thì ông Trần Minh Quang không trả lời được.
Liên quan đến vụ việc, ông Võ Kế Sang, Giám đốc Công ty TNHH Gas công nghiệp, phân tích: Đây không đơn thuần chỉ là vụ “mua bán phế liệu”. Bởi lẽ, chiêu trò thu mua vỏ bình gas rồi “cắt tai, mài vỏ” và “thay tên, đổi họ” nhãn hiệu thành những đơn vị sản xuất, kinh doanh gas có uy tín, đã diễn ra trên địa bàn tỉnh từ lâu. Thay vì bỏ tiền ra sản xuất vỏ bình mới, một số đơn vị, cá nhân đã cho người đi thu gom vỏ bình gas về, rồi “phù phép”, biến số vỏ bình đó thành tài sản của mình.
Theo ông Trần Đức Tiến, Phó giám đốc Sở Công Thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT, những năm gần đây, hoạt động gian lận thương mại, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa (nhất là những thương hiệu lớn) diễn biến khá phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn và nhiều chiêu trò tinh vi. Trong khi đó, khó khăn đối với lực lượng QLTT là vấn đề chế tài xử lý. Chẳng hạn, chức năng của lực lượng QLTT chỉ có thể xử phạt ông Trần Minh Quang về vi phạm trong việc mua bán vỏ bình gas không có hóa đơn chứng từ; còn việc đơn vị, cá nhân nào mua để làm giả nhãn hiệu lại là chức năng của cơ quan công an… Vì vậy, trước mắt Chi cục QLTT tạm giữ 214 vỏ bình gas và xin ý kiến của Cục QLTT để xử lý.
Cũng theo ông Trần Đức Tiến, nhằm tăng cường khả năng phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trong đó có tình trạng giả mạo nhãn hiệu hàng hóa, Chi cục QLTT sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cùng những doanh nghiệp “thương hiệu mạnh” và có nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng, tổ chức tập huấn kỹ năng phân biệt hàng thật, hàng giả cho cán bộ, công chức, nhân viên trong toàn lực lượng QLTT trên địa bàn. Về lâu dài, Chi cục QLTT tỉnh đề nghị Cục QLTT, Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ ban hành những quy định xử lý, xử phạt các hành vi vi phạm về giả mạo nhãn hiệu hàng hóa với những chế tài đủ mạnh.
VIẾT HIỀN