Du lịch Bình Ðịnh: Cần khắc phục hạn chế về hạ tầng, dịch vụ
Theo nhận định của ngành chức năng và giới chuyên môn, bên cạnh những thành tựu trong thời gian qua, ngành du lịch Bình Ðịnh cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục để phát triển bền vững.
Một góc khách sạn 5 sao FLC Luxury Hotel tại Quần thể du lịch FLC Quy Nhơn. Ảnh: N.V
Phát triển cơ sở lưu trú cao cấp
Các chuyên gia cho rằng, rút kinh nghiệm các địa phương đi trước, Bình Định phải phát triển du lịch (DL) cao cấp. Như vậy, trước hết phải phát triển cơ sở lưu trú (CSLT) cao cấp. Thời gian qua, các CSLT phân khúc cao cấp ở Bình Định tuy có phát triển song chưa đạt yêu cầu về số lượng. Do đó, mùa cao điểm DL 2 năm 2016 - 2017, các khách sạn (KS) 3 - 4 sao ở Quy Nhơn đều hết phòng; nhiều du khách từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh muốn đến Bình Định song không có phòng nghỉ, phải chuyển tour Phú Yên, Nha Trang…
Số liệu của Sở DL cho thấy, hiện toàn tỉnh có 153 KS, gồm: 1 KS 5 sao, 5 KS 4 sao, 2 KS 3 sao, 16 KS 2 sao, 129 KS 1 sao... với tổng số 3.972 phòng. So với một số địa phương phát triển DL trong khu vực như Đà Nẵng, Nha Trang, số lượng CSLT tại tỉnh ta còn thua xa. Đến đầu năm 2017, Đà Nẵng có 575 CSLT DL với trên 21.300 phòng; Nha Trang có 638 cơ sở với 23.693 phòng; số lượng khách DL của 2 địa phương này năm 2016 hơn gấp đôi so với lượng khách đến Bình Định; số CSLT cao cấp cũng có sự cách biệt lớn.
Theo kế hoạch phát triển DL Bình Định giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030: Đến năm 2020, tổng số CSLT DL trên địa bàn tỉnh khoảng 260 cơ sở, gồm 7.200 phòng, trong đó tỉ lệ phòng đạt chất lượng 3 sao trở lên chiếm 43%. Chỉ tiêu này rất sát hợp với thực tế, và hoàn toàn khả thi, khi có nhiều dự án (DA) CSLT cao cấp đang triển khai tại TP Quy Nhơn.
Trong vài năm đến, khi các DA CSLT cao cấp như Coastal Hill FLC Quy Nhơn, FLC Sea Tower Quy Nhơn, Trung tâm TM DV KS và căn hộ cao cấp Hoa Sen Quy Nhơn, Khu phức hợp BMC Quy Nhơn, Khu KS và dịch vụ DL Kim Cúc, L’avenir Quy Nhơn Hotel & Towers, Khu DL biển Casa Marina Island, KS Petec Bidico tại TP Quy Nhơn, Maia Quy Nhon Beach Resort, TMS Luxury Hotel… được xây dựng hoàn thành, đi vào hoạt động, sẽ đáp ứng yêu cầu lưu trú thuộc phân khúc cao cấp.
Thông tin mới nhất, trong ngày hôm nay, 12.11, Công ty TNHH Đầu tư DL và DV Kim Cúc (tại TP Quy Nhơn) sẽ ký kết hợp đồng quản lý KS với một đơn vị nước ngoài chuyên quản lý KS. Điều này góp phần chứng tỏ quyết tâm phát triển CSLT cao cấp tại Quy Nhơn - Bình Định của các nhà đầu tư.
Một số hạn chế cần khắc phục
Như nói trên, cái thiếu về CSLT cao cấp không còn là nỗi lo, song một số hạn chế cơ bản của DL Bình Định cần phải được chú trọng khắc phục để đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt.
Có một cái thiếu “khó nói” của DL Bình Định nhưng được nói nhiều nhất trong những năm qua, là chưa có hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại các điểm đến DL. Điều này tưởng chừng đơn giản, mà rất cần thiết, nhất là khi DL Bình Định đẩy mạnh thu hút khách quốc tế. Tỉnh và các ngành chức năng đều thấy rất rõ, đã đưa vào nhiều báo cáo chuyên ngành, nhấn mạnh là sẽ xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn…, nhưng đến nay chưa có một kế hoạch, DA nào cụ thể.
Tương tự, Bình Định đẩy mạnh phát triển DL biển, song chưa có cầu tàu DL ở Quy Nhơn, Nhơn Lý, Nhơn Hải… Đồng thời, chưa có cảng biển DL; chưa có điểm dừng chân cho khách DL dọc theo QL 1A, 1D, 19 và tuyến đường ven biển… Những hạn chế như vậy đã được xác định, được nhìn nhận, song khắc phục như thế nào, xây dựng hạ tầng ra sao cũng chưa có.
Phần lớn DA DL tập trung đầu tư khu nghỉ dưỡng, lưu trú, mà chưa có những khu vui chơi, giải trí nhằm đa dạng hóa sản phẩm DL. Những người tâm huyết với DL Bình Định đều hy vọng một Vinpearl Quy Nhơn (Hải Giang) giống như Vinpearl Nha Trang để “đắp” vào cái thiếu quan trọng của DL Quy Nhơn - Bình Định. Song DA này “xập xình” bao nhiêu năm nay mà vẫn chưa “ra ngô ra khoai” gì, chỉ để lại “chình ình” một bãi đất rộng đến mười mấy hecta lấn biển, phá hẳn “vầng trăng khuyết” độc đáo của bãi biển Quy Nhơn, cùng một số hệ lụy khác.
Nguồn nhân lực DL Bình Định thời gian qua tăng đáng kể, song chất lượng chưa cao, chưa đồng đều; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là ngoại ngữ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Số lượng hướng dẫn viên DL sử dụng tiếng Anh hầu như chỉ trên đầu một bàn tay; các ngoại ngữ khác như Trung, Hàn, Nhật, Pháp, Đức… càng không có.
DL Bình Định đang bước vào giai đoạn mới, tăng thu hút khách nội địa, đẩy mạnh thu hút khách DL quốc tế, nên cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế nói trên để đáp ứng yêu cầu tăng tốc phát triển.
NGUYÊN VŨ