Mưu sinh mùa biển động
Vào mùa biển động, trong khi tàu cá hầu hết nằm bờ, một số thuyền nhỏ, thúng chai của ngư dân các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) vẫn ra vùng biển ven bờ đánh bắt để kiếm sống.
Ngư dân làm nghề lưới bằng thúng ở xã Nhơn Lý chuẩn bị đi đánh bắt cá. Ảnh: N.NHUẬN
Theo ngư dân địa phương cho biết, mùa gió Đông Bắc (bà con còn gọi là mùa gió chướng) thường bắt đầu từ tháng 9 Âm lịch năm trước đến tháng 2 Âm lịch năm sau. Mùa này là thời điểm biển động mạnh nên đa số các phương tiện lớn đều nằm bờ, ít ra khơi; chỉ có phương tiện nhỏ làm nghề lưới tiếp tục đánh bắt gần bờ. Những ngày biển ít sóng, nước trong, người dân bắt đầu ra khơi từ 4 - 5 giờ chiều, đến sáng vào bờ. Còn những ngày biển có sóng, nước đục, họ bắt đầu công việc từ 2 - 3 giờ sáng và cập bờ lúc 3 - 4 giờ chiều.
Ngư dân Nguyễn Niên, ở thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, thổ lộ: “Bữa giờ hết bão trời êm nên tui tranh thủ ra biển đánh cá, mỗi bữa cũng kiếm được vài ba trăm ngàn, có bữa được hơn 1 triệu đồng. Việc đầu tư cũng ít vốn, tính ra sắm tấm lưới khoảng 5 - 6 triệu đồng, thúng chai khoảng 2 triệu nữa cũng đủ mưu sinh trong mùa đông”. Còn ngư dân Bùi Văn Ngời, ở thôn Lý Hòa, xã Nhơn Lý, bộc bạch: “Mùa này ra biển chủ yếu đánh bắt các loại cá gần bờ. Biển giả vô chừng, có chuyến trúng được vài triệu đồng, nhưng có bữa cũng “công cốc”…
Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho biết: “Mùa gió chướng, trong xã có khoảng 50 - 60 người dân làm nghề lưới móp (còn gọi lưới 3 cước), đi bằng thúng. Đây là một trong những nghề truyền thống ở địa phương, song việc mưu sinh bám biển của ngư dân cũng gặp không ít khó khăn. Do đó, khi biển động, sóng lớn, xã thông báo bà con phải cẩn trọng, thường xuyên theo dõi các thông tin về thời tiết để việc đánh bắt không gặp thiệt hại”.
Nhiều ngư dân ở xã Nhơn Hải cũng có thu nhập cao từ nghề lưới 3 cảng, lưới 2 đất đánh bắt bằng thuyền công suất nhỏ trong mùa biển động. Ngư dân Trần Văn Hởi, ở thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải, cho biết: “Trước đây tôi làm nhiều nghề, từ mành trải tôm, mành rút nhưng thấy bấp bênh nên tôi chuyển sang làm nghề lưới 2 cảng và lưới 2 đất. Mỗi mùa đánh bắt kiếm vài chục triệu đồng, cuộc sống cơ bản ổn định”.
Theo anh Hởi, làm nghề lưới có phần vất vả, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, biết gỡ cá, vì lưới kéo lên thuyền đến đâu thì phải gỡ cá đến đó. Kỹ thuật đánh lưới cũng rất quan trọng, phải biết đoán con nước, hướng gió để đánh lưới; khi đánh lưới phải thả ngang hướng gió thổi, biển êm thì đánh xa gành đá... Theo bà con làm nghề lưới, giờ có lưới dệt bằng máy bán với giá 1,5 triệu đồng/tấm lưới 3 cảng; 1 triệu đồng/tấm lưới 2 đất; ngư dân mua về phải kẹp chì, cột đầu phao sao cho phù hợp thì đánh bắt mới đạt hiệu quả.
Ngư dân Đoàn Văn Dũng, ở thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải, chia sẻ: “Mùa biển động, cá có giá cao hơn những ngày thường. Nghề lưới đánh bắt các các loại như: cá sòng, cá trậm, cá liệt, cá ngân…, nhưng cá hố là có giá nhất. Trước đó, giá cá hố từ 150 - 160 ngàn đồng/kg, bữa giờ trời êm, giá cá hạ xuống còn 120 - 130 ngàn đồng/kg. Thấy vậy chứ có bữa lỗ tổn, bữa được bữa không, bữa đánh bắt thu nhập 10 - 20 triệu đồng cũng có, vài trăm ngàn cũng có, biển giả mà!”.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Hải, cho biết: “Toàn xã có khoảng 15 phương tiện thuyền nhỏ, thúng chai, thúng composite có gắn động cơ làm nghề lưới 2 đất, lưới 3 cảng, lưới ghẹ… trong mùa biển động. Đa số ngư dân chỉ làm tạm trong thời điểm “mãn biển”; cũng có một số ít ngư dân chọn nghề lưới là nghề chính, đem lại thu nhập khá”.
NGỌC NHUẬN