“Tại anh, tại ả”
Tại một tọa đàm mới đây liên quan đến lĩnh vực tài sản trí tuệ, bà Phan Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN tỉnh, người có nhiều năm kinh nghiệm tiếp cận với việc hỗ trợ xây dựng sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các tổ chức, DN trong tỉnh - đã chia sẻ về câu chuyện SHTT của sản phẩm đặc trưng Bình Ðịnh - rượu Bàu Ðá. Chuyện là, Công ty TNHH Thực phẩm Minh Anh đã đăng ký và được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu “Rượu Bầu Ðá” cho sản phẩm của mình. Dù trên thực tế, DN ở tận Ðà Nẵng này không hề sản xuất mà lại đặt cơ sở thu mua tại làng nghề Cù Lâm (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn), sau đó đóng chai và đưa ra thị trường với nhãn hiệu nói trên(!). Thỏa thuận chỉ đạt được khi Hiệp hội Sản xuất kinh doanh rượu Bàu Ðá Bình Ðịnh bổ sung vào mẫu nhãn hiệu đăng ký “rượu Bàu Đá” một biểu tượng, một thành phần chữ để phân biệt với nhãn hiệu của Minh Anh.
Hay như câu chuyện của “nước mắm Ðề Gi” khi đơn đăng ký của Bình Ðịnh bị bác bỏ bởi nhãn hiệu đã được Công ty TNHH Tin học Viễn thông Hưng Thịnh (TP Hồ Chí Minh) sở hữu. Ðể cân bằng lợi ích của DN lẫn địa phương, phương án đưa ra là DN có thư đồng ý để Cục SHTT cấp văn bằng nhãn hiệu chứng nhận cho chính địa phương làm nên sản phẩm - huyện Phù Cát.
Những chuyện trên không có gì mới, nhưng là một bài học “đau đớn” cho những người sản xuất lẫn DN trong tỉnh khi không bảo vệ được thương hiệu của mình. Nguyên nhân của việc DN chưa chú trọng đúng mức giá trị của thương hiệu là chưa có cái nhìn đầy đủ, toàn diện. Song, về khách quan, không thể phủ nhận công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên và chưa đi vào chiều sâu cho từng nhóm đối tượng DN.
Bên cạnh đó, việc thực thi bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam chưa rõ ràng, bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm do cơ quan quản lý về KH&CN thực hiện, trong khi cấp quyền kinh doanh lại do một đơn vị khác chịu trách nhiệm. Việc xử lý các trường hợp xâm hại về thương hiệu cũng chưa rốt ráo.
Sau 10 năm thực thi Luật SHTT, chính cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thừa nhận hầu hết các vụ việc tranh chấp quyền SHTT vẫn được giải quyết theo cơ chế hành chính. Chúng ta có một hệ thống thực thi rất nhiều các cơ quan nhưng đấy cũng là nhược điểm khi quá nhiều đầu mối dẫn đến DN không biết phải trông cậy vào đâu.
Bảo hộ thương hiệu trong quá trình hội nhập sâu rộng là vấn đề sống còn đối với DN. Thế nhưng, nó vẫn chưa được quan tâm đúng mức, xuất phát từ phía DN lẫn cơ quan quản lý nhà nước.
HOÀNG ANH