Cần tăng cường bảo vệ rừng dương ven biển
Mặc dù ngành chức năng và chính quyền địa phương có nhiều nỗ lực trong việc quản lý, bảo vệ rừng dương (phi lao) ven biển thuộc địa phận xã Cát Chánh (Phù Cát), nhưng thời gian gần đây, nhiều người vẫn lén lút vào rừng chặt phá để làm nguyên liệu hầm than.
Rừng phi lao ven biển bị chặt phá theo kiểu “da beo”, rải rác nhiều nơi với số lượng từ 3 - 5 cây.
Lén lút phá rừng dương
Rừng dương ven biển nằm dọc đường trục Khu Kinh tế (KKT) Nhơn Hội - thuộc địa phận xã Cát Chánh (Phù Cát) và Phước Hòa (Tuy Phước), vừa có tác dụng chắn gió, chắn cát bay; vừa tạo cảnh quan môi trường cho KKT. Với tầm quan trọng này, những năm qua, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản giao chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan quản lý, bảo vệ rừng an toàn; kiên quyết ngăn chặn, xử lý nạn chặt phá rừng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng chặt phá rừng dương ven biển còn diễn ra; nhất là đối với diện tích rừng thuộc địa phận thôn Phú Hậu (xã Cát Chánh).
Khu vực rừng dương đã và đang bị chặt phá thuộc khoảnh 3, tiểu khu 281b, thôn Phú Hậu; có diện tích hơn 55ha, do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Phù Cát quản lý, bảo vệ. Hiện hàng trăm cây dương đã bị chặt hạ tận gốc; trong đó, hầu hết là các có cây đường kính gốc từ 5cm - 10cm, thậm chí cây có đường kính gốc khoảng 20cm - 30cm. Các đối tượng không chặt tại một vị trí tập trung mà thường làm theo kiểu “da beo”, rải rác nhiều nơi với số lượng từ 3 - 5 cây. Người chặt phá rừng hầu hết ở thôn Phú Hậu; họ lợi dụng nhà ở gần rừng nên khoảng từ 21 giờ đêm đến 3 giờ sáng lén vào rừng chặt cây, cắt thành khúc ngắn rồi chở về nhà hầm than.
Một người dân ở xã Cát Chánh, tiết lộ: “Có khoảng 20 người dân ở thôn Phú Hậu thường xuyên vào rừng chặt phi lao mang về nhà hầm than. Khi chúng tôi báo cho địa phương và ngành chức năng, những người này còn có lời lẽ chửi bới, hăm dọa”.
Tăng cường bảo vệ rừng dương
Ông Đinh Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Chánh, nhìn nhận: Các lò hầm than ở thôn Phú Hậu và thôn Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa) hàng ngày vẫn hoạt động và sử dụng nguyên liệu chủ yếu là gỗ phi lao. Chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với ngành chức năng mời các hộ có lò hầm than đến làm việc, tuyên truyền, vận động không chặt phá gỗ phi lao để hầm than. Tuy nhiên, do than khan hiếm, có giá khá cao nên một số người bất chấp, lén lút vào rừng chặt cây. Trong khi đó, địa phương không thể cấm người dân hầm than; ngoài ra, do không bắt quả tang việc chặt phá rừng nên khâu xử lý gặp nhiều khó khăn.
Còn theo ông Huỳnh Thu Công, Giám đốc BQLRPH huyện Phù Cát, Ban đã ký hợp đồng giao khoán với 2 cá nhân ở thôn Phú Hậu để quản lý, bảo vệ rừng; ngoài ra, cán bộ của Ban thường xuyên về địa bàn phối hợp làm nhiệm vụ. Tổ bảo vệ rừng tuần tra cả ngày lẫn đêm, nhưng do diện tích rộng và nhiều lối ra vào rừng nên rất khó phát hiện, bắt quả tang. Đơn cử, vào đêm 21.8, trong lúc tuần tra, tổ bảo vệ phát hiện hơn 10 người dùng cưa tay cưa trộm cây phi lao. Ngay lúc đó, các đối tượng lập tức tháo chạy nhiều hướng, bỏ lại hiện trường 17 cây phi lao vừa đốn hạ.
“Trước tình trạng rừng dương bị lén lút chặt phá, BQLRPH huyện Phù Cát đã chỉ đạo tổ bảo vệ rừng tăng cường tuần tra, kiểm soát; đồng thời, đề nghị UBND xã Cát Chánh, lực lượng kiểm lâm địa bàn (thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát) phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý; quyết tâm bảo vệ tốt diện tích rừng phi lao ven biển mà UBND tỉnh đã giao cho Ban quản lý”, ông Công cho biết thêm.
Ông Phạm Lộc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát, cho rằng BQLRPH huyện Phù Cát là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong quản lý, bảo vệ rừng dương. Tuy nhiên, Hạt Kiểm lâm có trách nhiệm phối hợp với chủ rừng và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ rừng. Do vậy mà Hạt đã chỉ đạo Trạm Kiểm lâm Cát Hải tăng cường phối hợp với BQLRPH huyện Phù Cát thường xuyên tuần tra, bảo vệ; nhất là vào thời điểm cuối năm, khi người dân tăng công suất hầm than, dẫn đến nguy cơ phá rừng dương cao.
C.LUẬN - X.THỨC