CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH CHO CÁC TỔ CHỨC CẤP THÔN:
Thực hiện chưa chặt chẽ
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức giám sát việc thực hiện chế độ chính sách cho Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh năm 2016 và 8 tháng đầu năm 2017. Nhiều bất cập đã được chỉ ra để sớm khắc phục, đảm bảo hoạt động cho các tổ chức này.
Một trường hợp mâu thuẫn gia đình được hòa giải thành của Tổ hòa giải ở cơ sở. Ảnh minh họa
Theo đánh giá của đoàn giám sát, Ban Thanh tra nhân dân (TTND), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ), Tổ hòa giải ở cơ sở đã phát huy tốt chức năng giám sát, kiểm tra, đẩy mạnh công tác hòa giải. Từ đó, nâng cao vai trò giám sát của quần chúng nhân dân trong việc thực hiện chính sách pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Qua giám sát, một số địa phương đã phát hiện nhiều thiếu sót của các tổ chức, cá nhân; kịp thời có kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo khắc phục, nhất là trên lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản.
Ðoàn giám sát đã giám sát trực tiếp tại UBND 4 địa phương cấp xã và 4 địa phương cấp huyện (xã Vĩnh Quang, Cát Sơn, phường Nhơn Hòa, xã Nhơn Lý, huyện Vĩnh Thạnh, Phù Cát, TX An Nhơn, TP Quy Nhơn) và Sở Tài chính; giám sát gián tiếp thông qua việc nghiên cứu, xem xét báo cáo của UBND huyện Phù Mỹ và Tây Sơn.
Điển hình, tại phường Nhơn Hòa (TX An Nhơn), Ban TTND các khu vực đã giám sát có hiệu quả việc thu chi quỹ hội cha mẹ học sinh ở 4 trường tiểu học, giám sát thu các quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ an ninh quốc phòng, quỹ vì người nghèo; giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ, công khai các nguồn thu của nhân dân đóng góp xây dựng đô thị văn minh… Ban GSĐTCCĐ giám sát thi công 11 công trình xây dựng, như hội trường UBND phường, trụ sở khu vực Hòa Nghi, Trung Ái, đường bê tông khu vực An Lộc, Phú Sơn, Tân Hòa, Phụ Quang… Tổ hòa giải đã tham gia hòa giải thành 55/60 vụ việc.
Năm 2016, việc thực hiện chế độ, chính sách theo quy định cho các tổ chức này tại nhiều địa phương tương đối đảm bảo, kể cả kinh phí chi phụ cấp và chi cho hoạt động. Nhưng sang năm 2017, chỉ đảm bảo kinh phí chi phụ cấp cho cán bộ tham gia, còn chi cho hoạt động nơi có nơi không, hoặc còn thấp. Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ chỉ được cấp 50% mức chi so với quy định; Tổ hòa giải chưa đảm bảo 3 nội dung chi, việc chi cho mỗi vụ hòa giải có nơi còn tùy tiện, với mức chi 30.000 - 100 ngàn đồng/vụ.
“UBND cấp xã cần nghiêm túc thực hiện các quy định của Trung ương, của tỉnh về chế độ chính sách cho Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ, Tổ hòa giải, đảm bảo việc chi phụ cấp cho cán bộ tham gia và chi cho hoạt động của các tổ chức trên. Việc chi phải đúng quy định, không vì lý do này, lý do khác mà giảm mức chi, nhất là chi cho hòa giải”
Ông HỒ SĨ DŨNG, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh
Tại xã Cát Sơn (huyện Phù Cát), xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), UBND xã không lập dự toán cân đối bố trí nguồn kinh phí này cho hoạt động của Tổ hòa giải, nên không thực hiện hòa giải ở địa phương. Trong khi đó, ngay cả với các địa phương được bố trí kinh phí cho hoạt động hòa giải, việc chi cũng còn bất cập, tùy tiện. Phường Nhơn Hòa chi cho hòa giải thành 100 ngàn đồng/vụ, nhưng một số nơi khác ở TX An Nhơn chỉ chi 30.000-50.000 đồng/vụ, có 9 xã, phường không chi cho hoạt động hòa giải dù đã giao dự toán. Trong năm 2017, 7 xã ở Vĩnh Thạnh không chi cho hoạt động hòa giải.
Về kinh phí hỗ trợ hoạt động cho Ban TTND, một số địa phương thực hiện nghiêm túc, như 100% các xã, phường, thị trấn của huyện Vĩnh Thạnh, TX An Nhơn cấp đủ kinh phí 2 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương thực hiện chưa đầy đủ hoặc không thực hiện. TP Quy Nhơn có 14 phường, xã cấp đủ, số còn lại cấp dưới 2 triệu đồng, xã Nhơn Lý không cấp. Huyện Phù Mỹ có 11 xã, Tây Sơn có 11 xã thực hiện đủ, số còn lại chỉ hỗ trợ khi có tham gia vụ việc.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Sĩ Dũng, nguyên nhân của những tồn tại trên do một số cấp ủy và chính quyền địa phương còn xem nhẹ vị trí, chức năng hoạt động của các tổ chức này nên thiếu sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách. “Phần kinh phí cân đối của cấp huyện cho xã chỉ ghi rõ mục chi cho giáo dục và KHCN, số còn lại giao cho xã tự cân đối bố trí theo nhu cầu của địa phương. Vì thế, ở những nơi không có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trên không lập dự toán, không yêu cầu thì xã không bố trí kinh phí”, ông Dũng lý giải.
NGUYỄN VĂN TRANG