Phát triển chăn nuôi heo theo hướng bền vững
Hỗ trợ, hướng dẫn người dân đầu tư chăn nuôi heo an toàn sinh học, gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng thịt heo an toàn là giải pháp phát triển chăn nuôi heo theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng ngành nghề chăn nuôi.
Thương lái mua heo của người chăn nuôi ở huyện Hoài Ân đưa đi tiêu thụ.
Phát triển chăn nuôi ATSH
Theo Sở NN&PTNT, tỉnh ta có đàn heo lớn nhất khu vực duyên hải miền Trung, nhưng nghề chăn nuôi heo phát triển tự phát, người chăn nuôi chưa quan tâm xây dựng hệ thống xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường. Việc phát triển chăn nuôi heo tự phát cũng dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, gây thiệt hại cho người chăn nuôi, ảnh hưởng đến giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Để khắc phục hạn chế nói trên, trong năm 2017 ngành Nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ huyện Hoài Ân và một số địa phương khác giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; hướng dẫn các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH)…
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, cho biết: Năm 2017, Chi cục triển khai xây dựng mô hình khử mùi hôi chuồng trại chăn nuôi heo bằng chế phẩm vi sinh tại 4 xã: Ân Đức, Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Tín; hỗ trợ xây dựng 22 công trình khí sinh học quy mô vừa; hỗ trợ 1 máy tách phân và 1 máy phát điện cho các trang trại chăn nuôi heo khép kín quy mô lớn và sử dụng xe bồn chuyên dụng thu gom phân heo tại các xã Ân Đức, Ân Tường Tây, Ân Tường Đông để xử lý. Tổ chức tập huấn và vận động người chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; phấn đấu từ nay đến cuối năm 2017, huyện Hoài Ân có 6 cơ sở chăn nuôi heo được công nhận an toàn dịch bệnh, các huyện thị khác (trừ 3 huyện miền núi), mỗi địa phương có 2 cơ sở được công nhận.
Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Huyện khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và người dân đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi khép kín, áp dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TĂCN) và việc sử dụng TĂCN của người chăn nuôi. Có 120 cơ sở kinh doanh TĂCN và chủ trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc gia cầm (GSGC) tự nguyện ký cam kết không mua bán, sử dụng thuốc kháng sinh trong danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi, thú y theo quy định của Bộ NN&PTNT.
Xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng
Bên cạnh các hoạt động nói trên, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ người chăn nuôi giải quyết đầu ra sản phẩm theo hướng bền vững. Vừa qua, Sở NN&PTNT Bình Định và Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng đã ký kết thỏa thuận hợp tác sản xuất và cung ứng thịt GSGC an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2017-2020 nhằm xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thịt GSGC an toàn sản xuất tại Bình Định đến cửa hàng bán thịt trên địa bàn TP Đà Nẵng. Thúc đẩy các DN, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh giữa 2 tỉnh hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh thịt an toàn theo chuỗi một cách bền vững.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Để đảm bảo mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh để cung ứng sản phẩm chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thú y cho thị trường Đà Nẵng. Tổ chức chứng nhận các cơ sở đủ điều kiện ATTP và giới thiệu các cơ sở được cấp giấy chứng nhận ATTP cho Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng biết để kết nối DN ở Đà Nẵng tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Xây dựng và ban hành quy định về nhận diện sản phẩm chăn nuôi ATTP cung cấp cho thị trường Đà Nẵng. Kết nối các cơ sở thu mua sản phẩm với cơ sở chăn nuôi ATTP và các trạm thú y trong việc ghi chép thông tin về xuất xứ sản phẩm cho mỗi lô hàng xuất bán cho cơ sở giết mổ động vật ở Đà Nẵng, trước mắt chọn huyện Hoài Ân làm thí điểm. Thường xuyên tổ chức giám sát, lấy mẫu thử nghiệm chất cấm trong chăn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi, nhất là đối với các trang trại tham gia chuỗi cung ứng thịt an toàn cho TP Đà Nẵng.
PHẠM TIẾN SỸ