Ðiều dưỡng phòng mổ
Tỉ mẩn, dẻo dai, chịu áp lực cao… là những tố chất cần thiết của người điều dưỡng phòng mổ (ÐDPM). Yêu cầu cao là thế, nhưng hầu hết ÐDPM tại các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đều chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ phòng mổ.
Nhiều đóng góp
Theo bà Lê Thị Tuyết Mai, Điều dưỡng trưởng của khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức, BVĐK tỉnh, Bệnh viện hiện có 19 ĐDPM, chia làm 2 bộ phận với những quy định nhiệm vụ cụ thể. Điều dưỡng phụ dụng cụ giúp chuẩn bị, sắp xếp và đưa dụng cụ chính xác cho phẫu thuật viên trong ca mổ; xử lý dụng cụ phẫu thuật, trang thiết bị và vật tư tiêu hao đã sử dụng. Với điều dưỡng làm nhiệm vụ vòng ngoài, nhiệm vụ chính là phối hợp với các kíp phẫu thuật để đặt tư thế người bệnh; bổ sung dụng cụ phẫu thuật, vật tư tiêu hao và các phương tiện khác dùng cho phẫu thuật. Đồng thời, hỗ trợ kíp phẫu thuật và kíp gây mê - hồi sức điều khiển các dụng cụ như dao điện, máy hút, máy nội soi, máy chống rung…
Các ĐDPM phải tiến hành đúng thủ tục trước mổ: rửa tay, mặc áo choàng vô khuẩn, mang găng tay vô khuẩn cho mình và mặc áo, mang găng vô khuẩn cho phẫu thuật viên chính cùng phụ mổ. Sau đó, trải vải che bàn tiếp dụng cụ, che giới hạn vùng mổ, xếp dụng cụ trên bàn tiếp dụng cụ. Thao tác sắp xếp dụng cụ tưởng đơn giản, nhưng không hề dễ vì đòi hỏi phải đúng kỹ thuật, trình tự. “Yêu cầu quan trọng đối với mỗi một ĐDPM là phải nắm chắc quy trình vô trùng phòng mổ, “quán xuyến” dụng cụ mổ, đặc biệt là kiểm tra lại gạc trước khi phẫu thuật viên đóng vết mổ”, điều dưỡng Mai nhấn mạnh.
ĐDPM có khi chôn chân trong phòng mổ 3-5 tiếng để theo bác sĩ hết ca mổ. “Với các ca phẫu thuật bình thường có thời gian kéo dài, ĐDPM có thể được thay giữa chừng khi có sự đồng ý của phẫu thuật viên; riêng những ca khó như mổ tim, điều dưỡng phải trực 100%”, điều dưỡng Huỳnh Quốc Đạt, BVĐK tỉnh, chia sẻ.
Khi mổ hở, điều dưỡng vòng trong đứng đối diện phẫu thuật viên chính, “bám” bàn mổ nên cùng chịu sự thất thường của ca mổ. Có khi giữa khuya đi làm, thức trắng đêm, đứng phụ mổ với bác sĩ mỏi cả chân. Chịu đói, ăn uống thất thường là chuyện thường ngày. Rất nhiều ĐDPM đã tự nhận xét về nghề: “Làm công việc gì khác nếu quá mệt có thể bỏ về sớm, hôm sau làm tiếp, chứ nghề điều dưỡng không thể bỏ lại bệnh nhân được. Trong lúc phụ mổ, sợ nhất là buồn ngủ, vì không đủ tỉnh táo có thể mắc sai sót ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân”.
Tại BVĐK TP Quy Nhơn, mỗi năm có khoảng 4.000 ca mổ được thực hiện. Được thành lập từ giữa năm 2013, đến nay khoa Phẫu Gây mê hồi sức của Bệnh viện có 12 điều dưỡng, trong đó có 5 người chuyên phục vụ ở phòng mổ. “Áp lực với các kíp mổ nói chung, ĐDPM nói riêng là rất lớn. Tuy nhiên, các ĐDPM đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần đáng kể đảm bảo an toàn cho phòng mổ”, bác sĩ Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc BVĐK TP Quy Nhơn, khẳng định.
Khó chuẩn hóa
Hiện nay, cùng với sự phát triển không ngừng của ngoại khoa, đặc biệt là phẫu thuật nội soi, mổ tim hở, các ĐDPM cần cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng nhằm phục vụ tốt nhất cho các cuộc phẫu thuật, đảm bảo công tác chống nhiễm khuẩn phòng mổ.
Yêu cầu đặt ra với các ĐDPM ngày càng cao, nhưng trên thực tế cơ hội được đào tạo để chuẩn hóa của họ lại không nhiều. Theo điều dưỡng Lê Thị Tuyết Mai, trước khi bước vào phòng mổ, các ĐDPM ở BVĐK tỉnh chủ yếu được những người đi trước truyền kinh nghiệm, chứ chưa có chứng chỉ dành cho điều dưỡng phụ dụng cụ phòng mổ. Riêng 2 điều dưỡng phục vụ các ca mổ tim hở được tập huấn 6 tháng ở Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức. “Cũng đã có những kế hoạch đào tạo riêng cho ĐDPM, nhưng để sắp xếp thời gian cho họ vừa đi học, vừa đảm bảo hoạt động của phòng mổ là rất khó”, điều dưỡng Mai cho biết.
Đó cũng là tình hình chung tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh. Tại BVĐK Phú Phong, trong 8 ĐDPM chỉ 3 người có trình độ đại học, 5 người có trình độ trung cấp. Còn ở BVĐK TP Quy Nhơn, ĐDPM cũng chủ yếu do Bệnh viện tự đào tạo, chủ yếu từ nguồn điều dưỡng của khoa Ngoại. “Sắp tới, khi khu nhà mổ mới của Bệnh viện hoàn thành và đi vào hoạt động, chúng tôi sẽ tuyển thêm 3-4 điều dưỡng chuyên phục vụ phòng mổ. Hiện nay, để tuyển được điều dưỡng chuyên ngành rất khó. Vì thế, chúng tôi vẫn tiếp tục tuyển dụng rồi tự đào tạo theo hướng “cầm tay chỉ việc””, bác sĩ Đỗ Tiến Dũng cho biết.
NGUYỄN VĂN TRANG
Yêu cầu bạn nói rõ hơn nhiệm vụ của điều dưỡng phụ mổ....vì hiện nay tại bệnh viện tỉnh mà điều dưỡng phụ mổ vẫn còn đứng phụ mổ ( phụ 1) đó là vai trò của bác sĩ. Như cậu. vậy có đúng không?
"nhưng hầu hết ÐDPM tại các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh đều chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ phòng mổ." Cho hỏi tác giả lấy thông tin này từ đâu, tại sao không ghi rõ?
Cảm ơn tác giả Văn Trang dạo này có nhiều bài viết chi tiết trong lĩnh vực y tế, nhất là những gì diễn ra đằng sau cánh cửa các phòng chuyên môn trong bệnh viện, vốn "bí ẩn" với nhiều người. Qua đó, độc giả có thêm hiểu biết cho mình, thấu hiểu và thông cảm hơn cho sự vất vả, mệt nhọc của các y bác sĩ làm việc trong BV. Và chúng tôi cũng mong các phóng viên, nếu có dịp thì viết về đồng tiền lương "còm cõi" của nhà nước trả cho các y bác sĩ, giúp mọi người lý giải phần nào cho sự căng thẳng, mệt mỏi thường trực trên khuôn mặt của những ai làm việc trong các BV. Bệnh nhân đông, nhiều người bệnh nặng, trang thiết bị thiếu thốn, môi trường làm việc chật chội, phức tạp, họp hành, ghi chép, báo cáo liên tục, lại thêm luân phiên trực đêm...Trong khi đó, các khoản tiền mà nhà nước trả rất thấp, không hề tương xứng với sự nhọc nhằn, chịu đựng của họ. Lẽ ra, tác giả nên viết thêm vài dòng cho độc giả biết: tiền phụ cấp cho một ca mổ đối với 1 bác sĩ hoặc điều dưỡng rất thấp. Ví dụ: bác sĩ mổ ch